A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

 

QPTĐ-Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển, hải đảo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản; chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển là những giải pháp trọng tâm được đưa ra tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 nhằm phát triển kinh tế biển bền vững. 

Việt Nam có nhiều tiềm năng kinh tế biển nhưng phát triển chưa xứng tầm. (Ảnh: Internet)

Nhiều tiềm năng kinh tế biển

Việt Nam nằm bên bờ Tây của biển Đông, một biển lớn, quan trọng của khu vực và thế giới. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì Việt Nam hiện nay không chỉ có phần lục địa tương đối nhỏ hẹp “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng lớn hơn 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền.

Dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, 48 vụng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Vùng biển Việt Nam có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với diện tích phần đất nổi khoảng 1.636 km2, được phân bố chủ yếu ở vùng biển Đông Bắc và Tây Nam với những đảo nổi tiếng giàu, đẹp và vị trí chiến lược như Bạch Long Vĩ, Phú quốc, Thổ Chu, Côn Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quý, Cát Bà, Hoàng Sa, Trường Sa...

Tuyến biển có 29 tỉnh, thành phố gồm: 124 huyện, thị xã với 612 xã, phường (trong đó có 12 huyện đảo, 53 xã đảo) với khoảng 20 triệu người sống ở ven bờ và 17 vạn người sống ở các đảo. Khai thác biển cho phát triển kinh tế là một cách làm đầy hứa hẹn, mang tính chiến lược và được đánh giá là đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.

Biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của dân tộc Việt Nam. Bước vào thế kỷ 21, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hướng mạnh về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình. Việt Nam có vùng biển nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến có lượng tàu bè qua lại nhiều nhất thế giới. Bờ biển Việt Nam lại rất gần các tuyến hàng hải đó nên rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế. Nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Phát triển chưa xứng tầm

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn. Sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn). Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn; có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW.

Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông đã được quan tâm đầu tư bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc-Nam, Đông-Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.

Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập; đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người.

Quy hoạch không gian biển quốc gia được định hướng phân vùng sử dụng không gian biển bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, lợi ích giữa các bên liên quan, các thế hệ hôm nay và mai sau; từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, bao gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc; Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ; Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu. Môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững.

Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 đã đề ra những giải pháp cụ thể. Trước hết, tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo; từng bước thực hiện đầy đủ và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Sớm phê duyệt ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý biển của chính quyền địa phương cũng như tạo hành lang pháp lý để kiểm soát hiệu quả việc khai thác tài nguyên trong phát triển kinh tế biển.

Nghiên cứu, triển khai xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định, đánh giá các ngành kinh tế thuần biển làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết.

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng tiềm năng, lợi thế.

Đặc biệt, chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển.

P.Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ