A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

 

QPTĐ-Tình hình thế giới 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguy cơ mất ổn định tài chính, tiền tệ, khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực toàn cầu. Trong nước, giá xăng dầu, chi phí đầu vào cho sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao, mặt bằng lãi suất tăng, tiềm ẩn rủi ro, thách thức đến ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. (Ảnh: Internet)

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ theo đúng tinh thần "đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Chính vì vậy, nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 là 5,1-5,7%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng lần đầu tiên vượt mốc 100.000, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay, khẳng định niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế trong thời gian tới.

Những chuyển biến tích cực

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%. Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%. Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng tăng 6,06%; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%. 

Về sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66; đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 471.800 tỉ đồng, tăng mạnh ở mức 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8% do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa tiếp tục phát triển tích cực với tốc độ tăng 29% về vận chuyển và tăng 36,3% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 15,2% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,6%, luân chuyển hàng hóa tăng 16%. 

Nhờ chính sách mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2022 đạt 236,7 nghìn lượt người, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Đánh giá của các tổ chức thế giới

Mức tăng trưởng trong quý II/2022 là rất ấn tượng, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2022. Việt Nam cũng là nước duy nhất trên thế giới được Ngân hàng Thế giới (WB) rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022. Tất cả các quốc gia khác đều được WB dự báo đà tăng trưởng giảm, cùng với dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% từ mức dự báo vào tháng 1/2022 là 4,1%. Theo đánh giá của WB, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng mất ổn định toàn cầu liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt 6,5% khi nền kinh tế dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.

Theo đánh giá của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc mạnh mẽ vào đầu năm 2022. Tiến sỹ Sanjay Kalra thuộc AMRO nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế".

Cuối tháng 5/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), triển vọng "Ổn định". Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến thời điểm đó. Gần đây, Việt Nam tăng 39 bậc về chỉ số chất lượng sống tốt nhất thế giới, chỉ trong 1 năm. Việt Nam cũng tăng tới 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia, nhờ các kết quả kiểm soát dịch bệnh, bao phủ vaccine và mở cửa nền kinh tế.

Kỳ vọng rằng, Việt Nam sẽ triển khai tốt những giải pháp trọng tâm đã đề ra, cùng với tác động của gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, tiếp đà phát triển quý II, tốc độ tăng trưởng quý III/2022 nhiều khả năng đạt cao. Dự báo, GDP cả năm 2022 sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 6-6,5%.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ