Đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng kinh tế bền vững
QPTĐ- Đổi mới sáng tạo đang là một xu thế tất yếu, sự lựa chọn mang tính đột phá chiến lược của Việt Nam trên con đường hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước đã sớm quan tâm, có nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tuy đã có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.
Lễ khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ảnh: Minh Sơn
Để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu
Ngày 27/9/2023 theo giờ Việt Nam, tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023- GII 2023). Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Như vậy, từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 46 năm 2023.
Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Theo báo cáo, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40. Đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo.
Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (xếp hạng 12), Malaysia (36), Bulgari (38), Thổ Nhĩ Kỳ (39) và Thái Lan (43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (xếp hạng 5), Malaysia (36) và Thái Lan (43).
Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia (Ấn Độ, Moldova) giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Tăng cường đổi mới sáng tạo quốc gia
Những ngày cuối cùng của tháng 10/2023 đã chứng kiến những sự kiện quan trọng trong tiếp tục tăng cường đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Trước hết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ và đổi mới sáng tạo chất lượng cao; phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.