A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số ngân hàng và tăng trưởng đầu năm 2021

 

QPTĐ-Trong bối cảnh kinh tế hồi phục, tăng trưởng tín dụng khởi sắc, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả lợi nhuận quý 1/2021 với những con số ấn tượng. Các ngân hàng đặt mục tiêu lãi lớn dựa trên kỳ vọng về khả năng phục hồi kinh tế. Đồng thời, các dự án chuyển đổi số sẽ giúp các nhà băng tối ưu hóa được chi phí hoạt động và chi phí huy động vốn. Các nguồn thu ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, kinh doanh bảo hiểm cũng được dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2021, đem lại thu nhập ổn định cho ngân hàng.

Ngân hàng ngoại thương Việt Nam ra mắt ứng dụng ngân hàng số DigiBank. (Ảnh: Internet)

Chuyển đổi số ngân hàng là nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là cơ hội cho ngân hàng số phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra doanh thu cao hơn với chi phí vận hành thấp hơn, tốc độ mở rộng thị trường nhanh hơn, cho phép tiếp cận hệ sinh thái của các doanh nghiệp và khách hàng, mang lại lợi ích theo cấp số nhân về kiến thức và dữ liệu.

Những con số ấn tượng 

Trong báo cáo mới nhất về Chính sách tiền tệ, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55%-65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân hàng thương mại quốc doanh khả năng đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75%-85% so với cùng kỳ khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Với các ngân hàng thương mại cổ phần, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45%-55% so với cùng kỳ. 

Ngày 6/4/2021, ngân hàng Á Châu (ACB) đã công bố lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, ngân hàng ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng. Như vậy, với việc ước lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm đạt 3.105 tỷ đồng, ngân hàng ACB đã thực hiện được 29,2% kế hoạch cả năm.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý 1/2021 với con số gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và đạt tới 43% kết quả của 2020. Năm 2021, ngân hàng MB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 25-30% so với năm 2020, tương đương mức lợi nhuận trước thuế hơn 14.600 tỷ đồng. Quý 1, ngân hàng này đã hoàn thành khoảng 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương 28% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Techcombank) ước lãi trước thuế quý đầu năm khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, chưa gồm phí trả trước từ hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng. Đây là mức lợi nhuận rất cao so với những năm gần đây. 

Một trong những yếu tố giúp ngân hàng Quân đội đạt hiệu quả kinh doanh ấn tượng quý đầu năm đến từ ngân hàng số. Ngân hàng này có thêm 1 triệu người dùng mới, trải nghiệm khách hàng ở lĩnh vực ngân hàng số trong quý 1. Tính hết ngày 31/3/2021, tiền gửi không kỳ hạn của phân khúc khách hàng cá nhân tại MB tiếp tục tăng trưởng gấp 1,5 lần so với cuối năm ngoái. Sự tăng trưởng này khẳng định đà phát triển vững chắc của tiền gửi không kỳ hạn phân khúc bán lẻ từ 2020 (đã tăng gấp đôi so với 2019). Tiền gửi không kỳ hạn cải thiện, tạo lợi thế về giá vốn rẻ cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

Tương tự, ngân hàng Vietcombank cũng xác định lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021, trong đó các mảng dịch vụ như tiền gửi không kỳ hạn, bán lẻ sẽ đóng góp chính cho kết quả lợi nhuận của ngân hàng. Mặc dù lãi suất huy động của ngân hàng Vietcombank thấp nhất thị trường nhưng do khách hàng tín nhiệm, huy động tiền gửi cá nhân của Vietcombank vẫn tăng cao. 

Chuyển đổi số là chìa khóa phát triển

So với ngân hàng truyền thống, ngân hàng số có những điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh hơn. Đó là cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số, chủ yếu được thực hiện thông qua internet, điện thoại di động thông minh, máy tính bảng và có thể cả mạng xã hội.

Giới chuyên gia đều chung quan điểm, dịch Covid-19 đã khiến tâm lý, hành vi tiêu dùng và đầu tư của khách hàng thay đổi, đòi hỏi phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ… Các ngân hàng sẽ phải quen với trạng thái “bình thường mới” khi đa số khách hàng không có nhu cầu và không muốn tới chi nhánh nữa, mạng lưới chi nhánh lớn chuyển từ lợi thế thành điểm yếu về chi phí. Chưa kể cạnh tranh không chỉ tới từ ngân hàng khác mà còn đến từ các tổ chức không phải ngân hàng, thậm chí là các đối tác trước đây của ngân hàng; năng lực và kiến trúc công nghệ của ngân hàng lõi theo truyền thống không còn phù hợp với môi trường cạnh tranh mới.

Mặt khác, mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng trên nền tảng số từ ngân hàng số cũng giúp các ngân hàng thích ứng tốt và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, đem lại lợi ích cho ngân hàng về tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sự gắn kết với khách hàng, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hoàn thiện, ban hành cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với xu hướng số hóa dịch vụ và ứng dựng mạnh mẽ công nghệ số, hợp tác mở như mô hình ngân hàng đại lý, nhận biết ngân hàng điện tử (e-KYC); tiền điện tử, xây dựng và triển khai tiêu chuẩn thống nhất về thanh toán QR Code, tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa... đảm bảo tính tương thích, liên thông.

Con người và công nghệ sẽ luôn là hai đột phá chiến lược trong sáng tạo và chuyển đổi số. Chính việc ngại rủi ro, thất bại, hợp tác kém hiệu quả và chậm đổi mới sẽ là rào cản cho phát triển ngân hàng trong tình hình mới. Mô hình kinh doanh trên nền tảng số là tất yếu khi các ngân hàng phải tự xây dựng, mua lại hoặc chia sẻ đều là các giải pháp được ưa chuộng; kết hợp với kênh phân phối và sản phẩm phù hợp sẽ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Hiện nay nhiều sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đã có sự chuyển đổi trên kênh số nhưng vẫn còn tập trung chủ yếu ở những ngân hàng lớn hoặc bậc trung. Vì thế thời gian tới, các ngân hàng có quy mô nhỏ cũng cần có những giải pháp, kế hoạch, chiến lược cụ thể để đầu tư nhiều hơn cho số hóa, bởi đây là yêu cầu không thể khác nếu không muốn tự gạt mình ra khỏi cuộc chơi.

Song Hà
 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ