A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

 

QPTĐ-Kể từ khi Liên hợp quốc ra đời (năm 1945) đến nay, một hệ thống đồ sộ các quyền con người đã được ghi nhận bởi pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc ghi nhận các quyền con người trong pháp luật là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ phải có các biện pháp để bảo vệ các quyền khỏi bị vi phạm và thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện các quyền trên thực tế. Hay nói cách khác là cần cơ chế để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Cơ chế của Liên hợp quốc

Cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người là bộ máy các cơ quan chuyên trách và hệ thống các quy tắc, thủ tục có liên quan do Liên hợp quốc thiết lập để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người. Mặc dù có mục tiêu chung là để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, song dựa trên vị thế pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan quyền con người Liên hợp quốc được chia thành hai dạng: Các cơ quan được thành lập theo Hiến chương và các cơ quan được thành lập theo một số điều ước quan trọng về quyền con người.
Đối với các cơ quan thành lập theo Hiến chương, do bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người được xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc nên cả 6 cơ quan chính: Đại hội đồng (General Assembly), Hội đồng Bảo an (Security Council), Hội đồng Kinh tế và Xã hội (Economic and Social Council-ECOSOC), Hội đồng Quản thác (Trusteeship Council) và Tòa án quốc tế (International Court of Justice-ICJ) đều có trách nhiệm trên lĩnh vực này.

Đại hội đồng là cơ quan đại diện chính của Liên hợp quốc, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên. Trách nhiệm của Đại hội đồng trong vấn đề quyền con người được đề cập trong Điều 13 Hiến chương. Theo đó, Đại hội đồng có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu và thông qua những kiến nghị nhằm “thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo”.

Hội đồng Bảo an (HĐBA) bao gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực. Trên phương diện quyền con người, HĐBA có thẩm quyền: Xem xét những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người mà đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế và thông qua những biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết; thành lập các tòa án hình sự quốc tế lâm thời để xét xử những vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.

Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) bao gồm 54 nước thành viên, do Đại hội đồng bầu ra. ECOSOC có vai trò quan trọng bậc nhất trong cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người. Trong việc xây dựng bộ máy, cơ quan này đã thiết lập ra Ủy ban quyền con người (UNCHR), Ủy ban về vị thế của phụ nữ và Ủy ban ngăn ngừa tội ác và tư pháp hình sự. ECOSOC còn có một chức năng quan trọng, đó là điều hành cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, mà một trong những mục tiêu của cơ chế này là thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo.

Hai cơ quan khác của Liên hợp quốc là Hội đồng Quản thác và Tòa án Quốc tế (ICJ) đều có vai trò nhất định trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Để hỗ trợ các cơ quan chính của Liên hợp quốc trong các hoạt động về quyền con người có hệ thống các cơ quan chuyên trách, bao gồm các cơ quan hỗ trợ về dịch vụ hành chính và các cơ quan hỗ trợ về chuyên môn về quyền con người.

Hội đồng Nhân quyền là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc được thành lập năm 2006. Hội đồng Nhân quyền là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người. Hội đồng Nhân quyền có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này và có một hệ thống cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt. Trong đó, cơ chế được quan tâm, tham gia rộng rãi và đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR).

Đối với các cơ quan được thành lập theo một số điều ước quan trọng về quyền con người, hiện nay gồm 9 cơ quan: Ủy ban về xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc; Ủy ban Quyền con người; Ủy ban về Xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ; Ủy ban chống tra tấn; Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Ủy ban về quyền trẻ em; Ủy ban bảo vệ quyền của tất cả những người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ; Ủy ban về quyền của người khuyết tật và Ủy ban về các vụ mất tích cưỡng bức. Các ủy ban công ước bao gồm những chuyên gia được thừa nhận là có uy tín, đạo đức và năng lực trong các lĩnh vực của công ước liên quan.

Ngoài ra, cùng với các cơ chế của Liên hợp quốc còn có các cơ chế khu vực và quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Việt Nam-Thành viên tích cực

Các Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam đều khẳng định: Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác, với Liên hợp quốc và các cơ quan của tổ chức này để đảm bảo ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người trên lãnh thổ Việt Nam và trên toàn thế giới. Cụ thể, Việt Nam cam kết xem xét và rút bảo lưu Điều 5 Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em của Công ước quyền trẻ em; gia nhập thêm một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, Công ước chống tra tấn; phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư bổ sung về trấn áp, trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thêm vào đó, Việt Nam cũng cam kết thực hiện các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham gia tích cực vào hoạt động của một số cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người như Hội đồng quyền con người, Ủy ban của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng kinh tế-xã hội; tiếp tục đối thoại về quyền con người với các nước và các tổ chức quốc tế; xem xét mời các báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực, chuyên gia độc lập về quyền con người và đói nghèo, báo cáo viên về giáo dục, chuyên gia độc lập về tác động của nợ nước ngoài đối với việc hưởng thụ quyền vào thăm Việt Nam trong thời gian tới để hiểu thêm về tình hình Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam bảo đảm tốt hơn quyền con người trong các lĩnh vực này.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Tiêu biểu như, Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam tiếp tục được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.  Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Việt Nam cũng vinh dự được bầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong 2 nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Bên cạnh những hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn Liên hợp quốc, với tư cách là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam còn tích cực tham gia cùng các nước trong Hiệp hội xây dựng văn kiện khung cho việc thành lập một cơ quan quyền con người của khu vực.

Thêm vào đó, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại cả song phương và đa phương cấp chính phủ với các nước, các tổ chức quốc tế trên lĩnh vực quyền con người, cụ thể như với Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Liên minh châu Âu… Mục đích của các cuộc đối thoại là giúp các nước có điều kiện hiểu sâu sắc hơn về hoàn cảnh lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hoá, cũng như hệ thống chính sách, pháp luật và các điều kiện cụ thể của Việt Nam, qua đó, tìm kiếm đồng thuận, hạn chế bất đồng trong vấn đề quyền con người.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ