A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không cho phép hạ thấp giá trị, xuyên tạc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

QPTĐ-Xây dựng pháp luật chiếm khoảng 50% khối lượng công việc tại mỗi Kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình lập pháp, các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách xuyên tạc hoạt động xây dựng pháp luật của Việt Nam. Tại Kỳ họp thứ 4 vừa diễn ra, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như thường lệ, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị liền “bổn cũ soạn lại”, tìm cách hạ thấp giá trị, xuyên tạc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

RFA thường xuyên có các bài viết chống phá Việt Nam.

Những luận điệu xuyên tạc

Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật là nhiệm vụ và cũng là quyền hạn của Quốc hội. Mỗi khi Quốc hội thông qua được một luật, bộ luật là đánh dấu một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Có thể nói, đây là một thành tựu không chỉ dừng lại ở vấn đề lập pháp mà còn là bước tiến trong việc khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước.
Vậy nhưng, trên một số trang tiếng Việt như BBC, RFA..., các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại ra sức xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trên BBC đăng bài viết “Việt Nam: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước đột phá hay chỉ chỉnh sửa hình thức?”. Sau khi viện dẫn quy định của luật về việc chính quyền phải công khai kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đất đai, hoạt động tài chính… trên địa bàn xã, bài viết xuyên tạc rằng: “... khi thực hiện chính quyền xã có thể chọn lựa thông tin để công khai hay sàng lọc, đưa vào mục “bí mật’”. Có nghĩa là người dân không được thông tin về mọi sự, dù chỉ ở phạm vi làng xã của mình”. Thật nực cười, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định rõ về những nội dung chính quyền cơ sở phải công khai cho nhân dân biết, đó là kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đất đai, hoạt động tài chính… trên địa bàn xã. Những nội dung không công khai, không được công khai là những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Như vậy, bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều cần có và phải có văn bản pháp luật quy định về bí mật nhà nước để bảo vệ lợi ích của mình. 
Bài viết tiếp tục lập luận rằng, “người dân không thể biết, nếu không có báo chí tự do, đứng độc lập với cơ quan công quyền” và “xã hội dân sự ở đâu?”; “dân không thể bàn, nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập”... Vậy là cái “đuôi chồn” đã thò ra, bản chất chống phá lộ diện. Mục đích bài viết là đòi hỏi sự tồn tại của cái gọi là “báo chí tự do”, “xã hội dân sự”...
Trên RFA cũng có bài viết: “Quốc hội thông qua một Luật đảm bảo cho người dân mở miệng, nhưng… nó lạ lắm”. Ngay tiêu đề của bài viết đã cho thấy sự hằn học, giọng điệu “chợ búa” nhằm hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, xa hơn là hạ thấp vai trò lập pháp của Quốc hội Việt Nam. Trong bài viết, với những lập luận mơ hồ, ngụy biện, thiếu căn cứ, tác giả bài viết xuyên tạc rằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở “đẹp như trong mộng” và “người dân thực sự cũng chẳng ai quan tâm đến nó, giống như cách chúng tôi không hề quan tâm đến việc họp tổ dân phố và bầu cử đại biểu Quốc hội”... Và cũng như bài viết trên BBC, mục đích thật sự của bài viết này là xúi giục, kích động rằng: “...chỉ khi trong xã hội có các tổ chức đối trọng nhằm giám sát và kiểm soát lẫn nhau, thì sự độc đoán chuyên quyền mới có khả năng bị triệt tiêu. Dân chủ chỉ có thể thực hiện khi mọi người dân được chính quyền bảo đảm an toàn và tự do khi muốn bày tỏ chính kiến và quan điểm trong khuôn khổ pháp luật”. Thực chất, đây là những luận điệu nhằm tuyên truyền cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam. Luận điệu của họ là trong nền chính trị Việt Nam phải tồn tại các nhóm chính trị, các chính đảng khác nhau để đa dạng hóa đường lối cho nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do thì mới đảm bảo cho một nền dân chủ.

Cơ sở để nhân dân thực hiện quyền làm chủ

Có thể khẳng định, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là dự án luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Đây cũng là dự án luật mang tính đặc thù trong thể chế chính trị và pháp luật của Việt Nam nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng, cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu và là động lực để phát triển xã hội.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là sự cụ thể hóa những quy định mới trong Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 nhấn mạnh tư tưởng chủ quyền Nhân dân; bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thể hiện tinh thần mới và tiến bộ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, Hiến pháp 2013 đã quy định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Đây là các nguyên tắc tiến bộ, định hướng cho việc cụ thể hóa các nguyên tắc xây dựng và thực hiện các quyền dân chủ của người dân tại cơ sở và các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các thiết chế đảm bảo thực hành dân chủ của người dân tại cơ sở. Cùng với việc kế thừa và bổ sung các quy định về quyền công dân, Hiến pháp đề cao trách nhiệm của nhà nước đối với công dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, mục tiêu hoạt động của nhà nước là vì Nhân dân.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng là bước đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Nghị quyết Đại hội XIII đưa ra định hướng phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trong thời kỳ mới. Trong phương hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Báo cáo chính trị Đại hội đã khẳng định: Tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có những điểm mới so với những quy định trước đây. Trước hết, với tính chất là văn bản Luật của Quốc hội thể chế hóa quyền dân chủ của Nhân dân trong Hiến pháp năm 2013, Luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, ngoài các quyền được cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, quyết định các nội dung theo quy định của Pháp luật, Luật bổ sung quyền được ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, Luật cũng quy định các nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nghĩa vụ tham gia ý kiến vào các nội dung, vấn đề được lấy ý kiến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến tham gia của mình hoặc của người đại diện theo ủy quyền; chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Để Nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, Luật đã quy định theo hướng bổ sung các nội dung mà chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi để người dân được biết, tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Đồng thời, Luật bổ sung các quy định để đa dạng hóa các hình thức thông tin.
Luật đã cũng bổ sung quy định công dân sinh sống tại cộng đồng dân cư có sáng kiến đề xuất các công việc trong nội bộ cụm dân cư, tổ dân phố không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội và có 1/3 chữ ký đồng thuận của cử tri tại cộng đồng dân cư thì gửi Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ Dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư thảo luận, quyết định. Quy định này nhằm tăng cường việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Ngoài ra, Luật cũng quy định về nghị quyết của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng; trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Với mục tiêu, quan điểm, nhất là những quy định mới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta không cho phép bất cứ thế lực nào xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ