A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngọc chỉ sáng khi thường xuyên được mài dũa

 

Tranh cổ động: Internet

Khi “gương soi” bị ố mờ, phủ bụi

CB, ĐV được học tập chính trị là quá trình được truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị, củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và biết vận dụng vào thực tiễn quy luật vận động của xã hội. Do đó, từ sớm Đảng ta đã xác định, giáo dục lý luận chính trị, bao gồm nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, cần thiết đối với mỗi CB, ĐV. Vì vậy, học tập chính trị là một chế độ sinh hoạt, công tác của mỗi CB, ĐV. 

Tuy nhiên, do xem nhẹ việc học tập chính trị, không coi đây là dịp để bản thân được củng cố kiến thức, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, nên có một bộ phận CB, ĐV coi đó là sự bắt buộc, mang nặng tư tưởng bị áp đặt, không vui hoặc chống đối. Khi cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ Đảng mở lớp học tập, họ không dành thời gian, tâm huyết cho việc học tập, nghiên cứu nắm vững đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cho rằng học tập chi phối mất thời gian để thực hiện công việc chuyên môn. Cho nên khi tham gia học tập chỉ có mặt để “điểm danh” cho đủ, chứ không tập trung lắng nghe báo cáo viên, giảng viên truyền thụ kiến thức lý luận, hay những trăn trở trước các vấn đề quan trọng mà đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng đặt ra. Trong quá trình học tập, chỉ chú trọng mải mê vào điện thoại để nhắn tin trò chuyện qua zalo, facebook, chơi game trực tuyến, làm việc cơ quan hoặc việc riêng. Kết thúc buổi học, nhiều CB, ĐV còn quên cả sách, vở, tài liệu học tập ở hội trường, thậm chí không nhớ nổi hôm nay học nội dung gì, tiêu đề chính là gì. 

Chúng ta đều biết, có tổ chức học tập, thì có kiểm tra đánh giá kết quả, đây là quy luật tất yếu khách quan. Vì vậy, cuối năm là thời gian các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức Đảng sẽ tiến hành kiểm tra nhận thức chính trị đối với đội ngũ CB, ĐV, đây là một việc làm hết sức cần thiết, qua đó nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng, năng lực công tác cho đội ngũ CB, ĐV đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nhưng do tư tưởng coi thường, xem nhẹ như đã nêu ở trên, nên nhiều CB, ĐV cho rằng: “Kiểm tra chỉ là hình thức, gọi là làm cho có, thanh toán kế hoạch cho xong trách nhiệm”. Nhất là khi cơ quan, đơn vị tổ chức Đảng kiểm tra nhận thức chính trị bằng hình thức giao chủ đề, viết theo dạng bài thu hoạch và định hướng một khoảng thời gian một, hai ngày hoàn thành, thế là ngay lập tức họ tận dụng tối đa kỹ năng công nghệ thông tin, vào “google” để tra cứu, tìm kiếm những chủ đề có liên quan, hoặc “na ná” cũng được, rồi tải về xào xáo lại và chép. Còn nội dung, tài liệu chính thống được học tập thì “bị bỏ qua”, do mất thời gian phải nghiên cứu. Vì họ nghĩ đơn giản, tiêu chí để đánh giá về chất lượng của các bài thu hoạch đối với số CB, ĐV này là “càng dài, càng nhiều chữ, nhiều trang giấy là càng được điểm cao”, không cần quan tâm có “đúng, trúng” với chủ đề, nội dung mà mình đã được học chưa.

Đây là nguyên nhân lý giải tại sao, những vấn đề mới, hệ trọng trong chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ban hành, nhiều CB, ĐV nắm và hiểu “lơ mơ”, để rồi khi vận dụng nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công việc, chất lượng “phương phưởng, chung chung” không cụ thể. Dẫn đến CB, ĐV vi phạm kỷ luật như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra, hầu hết cá nhân và tổ chức Đảng, đảng viên đều có chung lỗi phạm là “Vi phạm các nguyên tắc của Đảng”, coi thường pháp luật của Nhà nước dẫn đến tham ô, tham nhũng sai phạm, như tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tỉnh ủy Hải Dương…

Phải để kim chỉ nam chỉ đúng hướng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế; không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Cho nên, Người yêu cầu, về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin và phải xem giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng nói chung và xem nhẹ việc học tập chính trị nói riêng. Người nhấn mạnh, Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận chính trị; Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận; đồng thời, yêu cầu CB, ĐV phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thực hiện tốt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn. Người cũng đồng thời yêu cầu phải chống giáo điều, chống bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập chính trị và vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta cũng xác định: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với CB, ĐV gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.

Để nâng cao công tác giáo dục chính trị, cũng như nhận thức học tập chính trị cho mỗi CB, ĐV. Cấp ủy, tổ chức Đảng cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của lý luận chính trị đối với CB, ĐV. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục bệnh lười học, ngại học tập chính trị. Chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền để mỗi CB, ĐV nâng cao ý thức, hiểu và xác định việc học tập, bồi dưỡng lý luận vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của mình. Để cho họ thấy được đó là nhu cầu tự thân học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ, không bao giờ là đủ, để CB, ĐV tìm tài liệu, nghiên cứu và áp dụng giữa lý luận gắn với thực tiễn trên cương vị công tác. Cùng với đó, là tích cực đổi mới toàn diện công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Nếu làm tốt việc này, nó có tác dụng tác động trực tiếp đến các chủ thể của công tác giáo dục lý luận chính trị, như: Khắc phục được tình trạng giáo dục nặng về lý luận chung và những kiến thức tổng quát, mang tầm vĩ mô, để giáo viên, báo cáo viên đi sâu làm rõ được những chủ trương mới, cách làm hay, sáng tạo ở các cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là các kỹ năng giải quyết, lý giải những vấn đề mới và khó đặt ra từ thực tiễn, cả ở tầm vĩ mô và vi mô cũng như việc vận dụng trong giải quyết những công việc cụ thể. Thường xuyên coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn, có đủ phẩm chất đạo đức và tài năng, phải là tấm gương tự học và sáng tạo, kiểm tra chặt chẽ giáo án, bài giảng chuẩn bị trước khi giáo dục, tránh dạy và học truyền thụ, nhồi nhét, giáo điều. Cần lựa chọn giáo viên lên lớp là người dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, am tường lý luận sâu sắc, có năng lực sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt hấp dẫn, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng.

Để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức Đảng phải ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, ban giám khảo, tổ giúp việc. Đồng thời, xác định mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá rõ ràng, thực chất và triển khai cụ thể đến từng cấp ủy Đảng và đảng viên thấy tầm quan trọng của việc kiểm tra nhận thức chính trị. Lấy kết quả học tập, ý thức rèn luyện trong quá trình học tập là một tiêu chí để đánh giá CB, ĐV hàng năm. Qua đó, giúp CB, ĐV củng cố, nắm vững kiến thức để áp dụng vào công việc đạt hiệu quả cao hơn.

NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ