A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng để điển hình tiên tiến trở thành “ngôi sao cô đơn sợ nói về mình”

QPTĐ-Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới, khen thưởng của người này là “cú hích” cho người khác cố gắng khắc phục khó khăn, cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Nên có thể ví thi đua là gieo trồng thì khen thưởng là gặt hái, cả hai đều là động lực thúc đẩy nhau cùng tiến bộ. Nếu chỉ thi đua mà không khen thưởng thì phong trào thi đua không thể phát triển mạnh. Vậy nên, nếu việc bầu chọn danh hiệu thi đua không đúng, không có giá trị nêu gương, sẽ hình thành tư tưởng bình quân chủ nghĩa, làm cho phong trào thi đua trở thành hình thức, không thực chất, còn những điển hình tiên tiến (ĐHTT) thì trở thành “ngôi sao cô đơn” sợ và ngại khi nói ra những thành tích của mình, vì chưa thực sự xứng đáng. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.

Tranh cổ động: Internet

Xuất phát từ việc “gieo trồng” chưa đúng hướng

Việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng ĐHTT là biện pháp thực tiễn, lấy quần chúng để động viên quần chúng, lấy phong trào để nuôi dưỡng, thúc đẩy phong trào. Phong trào thi đua nếu không có ĐHTT thì phong trào đó không có sức sống và ngược lại, có ĐHTT mà không có phong trào thi đua thì những điển hình đó cũng không có cơ hội được tôn vinh, nhân rộng để mọi người biết và học tập. 

Việc phát hiện, nhân rộng các ĐHTT trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, học tập lao động sản xuất, chiến đấu… là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không thể thiếu trong các phong trào thi đua yêu nước. 

Tuy nhiên, do chưa nhận thức sâu sắc quan điểm này, nên vẫn còn những cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng ĐHTT mới chỉ để ở mức tuyên dương, chứ chưa phải để mọi người noi theo mà học tập, phấn đấu vượt lên.

Cụ thể là quan niệm về ĐHTT của nhiều địa phương, đơn vị hiện vẫn chưa rõ ràng, còn nhầm lẫn giữa điển hình với người có thành tích, giữa xây dựng điển hình với xây dựng đơn vị điểm, do vậy, có đơn vị đặt ra yêu cầu quá cao cho điển hình, cứ nghĩ điển hình thì phải toàn diện, phải liên tục đạt được Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, thế là cấp ủy, người cán bộ chủ trì dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, nhân lực, vật lực cho đơn vị được chọn, cho những cá nhân có điều kiện thuận lợi để xây dựng điển hình. 

Nhưng thực tế của phong trào thi đua cho thấy, có thể có điển hình toàn diện, nhưng cũng có điển hình từng mặt, vì không nhất thiết phải toàn diện, điển hình không phải là tích lũy, là phép cộng tất cả các danh hiệu thi đua, khen thưởng hay thành tích.

Cùng với đó, vẫn còn tình trạng lựa chọn điển hình chưa thật sự xứng đáng, không thực chất, nhưng vì “bó đũa chọn cột cờ”, vì thành tích chung của cơ quan, nên cố tôn lên, tô vẽ thêm cho thành điển hình, mà bỏ qua quan điểm “lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất năng lực của tập thể, cá nhân”, thay vào đó là cả nể, cảm tính, nên thiếu sức thuyết phục. 

Thế nên ở đâu đó, nơi này nơi kia vẫn còn hiện tượng bình bầu, khen thưởng luân phiên hoặc tập trung ưu tiên cho một số cá nhân sắp đến kỳ nâng lương trước thời hạn, mà không quan tâm đến kết quả công việc thực tế, dẫn đến nhiều cá nhân nhận Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua xong, không muốn nhắc đến vì ngại, vì chưa thực sự xứng đáng. 

Những tấm bằng khen được trao mang về cất kỹ, với mục tiêu “méo mó” là dùng làm báo cáo, khai hồ sơ, có ý nghĩa trong việc đề bạt, bổ nhiệm, tăng lương. Thậm chí có những đơn vị đạt được danh hiệu ĐHTT, sau một thời gian ngắn thì người đứng đầu ở đơn vị đó bị bắt do vi phạm pháp luật, như trường hợp nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội là một ví dụ.

Với cách tổ chức phong trào thi đua rồi bình xét khen thưởng kiểu đó, thì đương nhiên là không đem lại hiệu quả, không phát hiện và nhân rộng được những “hạt giống đỏ”, không làm cho những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua được nở rộ, không tạo ra động lực năng lượng tích cực cho đất nước.

Đây cũng là nguyên nhân lý giải về câu hỏi và những băn khoăn, trăn trở của rất nhiều nhà báo, cơ quan truyền thông báo chí hiện nay là: “Tìm tòi để viết, để phê phán, đấu tranh những thói hư tật xấu của con người trong cuộc sống hàng ngày đã khó, nhưng để tìm viết và tuyên truyền được những ĐHTT còn khó hơn”, bởi vì họ luôn từ chối, rất sợ và ngại nói về bản thân mình, lý do không phải vì ĐHTT khiêm tốn, không muốn nói về bản thân, mà chính những hành động việc làm của ĐHTT chưa có gì nổi bật, nên dù có muốn cũng khó có cái để nói, để chia sẻ và lan tỏa rộng ra cộng đồng. 

Chúng ta phải thừa nhận rằng thành tích là điều tốt đẹp, nên thi đua để đạt thành tích cao hơn không phải là điều xấu. Vấn đề ở chỗ, thành tích đạt được phải là thành tích thật, kết quả của những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, những trăn trở, suy tư không ngừng nghỉ, cùng cả những hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại lợi ích cho cộng đồng và tập thể, có như thế động lực thi đua mới nảy nở, đơm hoa kết trái bằng hành động tự giác của mỗi người. Để làm được điều đó, cần phải khắc phục được tình trạng nhân rộng ĐHTT chung chung, mà cần có kế hoạch cụ thể, cách làm bài bản, thực chất.

Phải thực chất trong xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác thi đua. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, 3 năm sau, trong bộn bề công việc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhưng ngày 11/6/1948, Người đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Khoảng bốn tháng sau, tháng 10/1948, trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ, Người nhắc nhở, trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hoá". 

Người căn dặn, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua, từ đó mà phấn đấu làm tốt. Vậy nên, để tránh các biểu hiện hình thức trong thực hiện phong trào thi đua, trước tiên các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định đổi mới nội dung và hình thức theo hướng thực chất hơn, trước hết các phong trào thi đua chỉ được phát động, triển khai khi đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, nội dung, biện pháp, phạm vi tổ chức phong trào. 

Trong đó, nội dung quan trọng nhất để tổ chức phong trào thi đua là phải bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị để đề ra các phong trào thi đua hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch đề ra hàng năm hoặc từng thời điểm cụ thể. Phong trào thi đua cần hướng về cơ sở và người trực tiếp công tác, học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu, là lực lượng đông đảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Với các phong trào lớn, phong trào mới, nhiệm vụ đề ra nhiều cần nghiên cứu, xem xét việc chọn, chỉ đạo đơn vị thực hiện điểm trong thời gian nhất định, để rút kinh nghiệm từ chỉ đạo điểm trước khi nhân rộng phong trào.

Để tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả, cần coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng xây dựng các tập thể, cá nhân ĐHTT. Soi chiếu vào lời chỉ dạy của Bác để tìm những gương ĐHTT trong cuộc sống hàng ngày đâu có khó? Họ chính là những con người lao động thầm lặng, cần mẫn ngày đêm, giản dị nhưng lại làm công việc rất có ý nghĩa, tô đẹp cho bức tranh cuộc sống, như những người công nhân vệ sinh môi trường, những thầy cô giáo cần mẫn với học sinh thân yêu, những y, bác sỹ tận tụy với người bệnh, những người nông dân cần mẫn trên cánh đồng để cho mùa vàng bội thu, hay những chiến sĩ Quân đội, Công an ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc… rất phong phú và đa dạng, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực các ngành nghề. 

Tuy nhiên để phát hiện những nhân tố nổi trội, xây dựng, nhân rộng được những ĐHTT, cơ quan, đơn vị, địa phương phải gắn với các phong trào thi đua trong các lĩnh vực cụ thể, xây dựng kế hoạch rõ ràng. Nội dung của kế hoạch phải thể hiện rõ được các tiêu chuẩn, tiêu chí gương ĐHTT, như hiệu quả thực tế công việc, sự tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội; khi đã phát hiện được cá nhân hoặc tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, cần thường xuyên theo dõi, để bồi dưỡng điển hình. 

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm chứng các mô hình, nhân tố mới, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc; tổ chức đánh giá, lựa chọn những mô hình tiêu biểu, xuất sắc có hiệu quả cao, có sức lan tỏa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để biểu dương, khen thưởng. 

Thường xuyên tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để nghe ĐHTT báo cáo kinh nghiệm, phương pháp, cách làm đạt hiệu quả trong phong trào thi đua để học tập làm theo. 

Cùng với đó, tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và hướng khắc phục. Qua đó rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt để bồi dưỡng, nhân rộng các ĐHTT. Có như thế, ĐHTT sẽ không trở thành những “ngôi sao cô đơn”, sợ và ngại khi nói về thành tích của bản thân mình.

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ