“Quà tặng”- Lộc trời hay chiếc dây thòng lọng
Bài 1: “Quà tặng”- Liều thuốc thử lòng liêm chính
QPTĐ-Quà tặng là một dạng vật thể hoặc phi vật thể, được trao cho người nhận một cách tự nguyện. Ý nghĩa thực sự của quà tặng không nằm ở giá trị vật chất, tiền bạc lớn hay nhỏ, mà chính là tấm lòng và tâm ý mà người tặng muốn gửi gắm vào đó. Văn hóa tặng quà là nét đẹp truyền thống lâu đời của người Việt, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, vì để đạt được mục đích cá nhân, thỏa mãn nhu cầu mong muốn của bản thân, như muốn được “ngồi” vào vị trí lãnh đạo, hay muốn trúng thầu các chương trình, dự án, hoặc kể cả khi cần chạy án, chạy tội... nên ý nghĩa của quà tặng đã bị “người tặng quà” lợi dụng trở thành tấm bình phong để “trao đổi, mặc cả”. Hậu quả là đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) bị gục ngã trước “chiếc dây thòng lọng vô hình” của “quà tặng” bị biến tướng.
Sự biến tướng của quà tặng.
Tranh minh họa
Hậu quả từ sự biến tướng văn hóa “quà tặng”
Tặng quà hay quà tặng từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam nói riêng và các nền văn hóa trên thế giới nói chung. Quà tặng là thể hiện lòng thành kính, biết ơn, yêu quý đối với các mối quan hệ gia đình và xã hội. Vì vậy, ông cha ta vẫn thường răn dạy con cháu: “Ẩm hà tư nguyên”, nghĩa là uống nước nhớ nguồn, hay là: “Bát cơm Phiếu Mẫu trả ơn ngàn vàng”, còn những cha mẹ nghèo thì dạy con: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” để nhắc nhở con cháu nhớ thuở hàn vi có người giúp đỡ, dù có ít ỏi tí chút cũng phải nhớ, nhất là khi giàu có, công thành danh toại thì phải nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng, nhớ công lao cứu giúp khi đói khổ, nâng đỡ thuở hàn vi, đó là đạo làm người.
Nhớ công lao mà có quà biếu thì gọi là “tri ân”, nói nôm na là đền đáp. Do đó, mục đích, ý nghĩa của quà tặng đơn giản chỉ là hành động thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa người trao và người nhận, được thực hiện một cách tự nguyện, không mang tính vụ lợi như trao đổi, mua bán và thường không phụ thuộc vào giá trị món quà to hay nhỏ. Nên có thể nói, tặng quà là một hành vi ứng xử không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn mang tính văn hoá.
Tuy nhiên, một số người trong đó có cả CB, ĐV đã lợi dụng những phong tục tốt đẹp “quà tặng” để biến tướng trở thành “biếu xén và trả ơn” với người hỗ trợ, giúp đỡ mình. Và chính thứ “quà tặng” khó cưỡng này đã làm nhiều CB, ĐV bị gục ngã. Chúng ta không khỏi đau xót khi nhắc tới những trường hợp điển hình như ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, dù đã ngồi vào vị trí “chức trọng, quyền cao” nhưng vẫn bị gục ngã bởi “viên đạn bọc đường” từ “quà tặng”.
Cụ thể là, ông Lê Đức Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động giải quyết khoản vay cho Công ty xuyên Việt Oil, nên Lê Đức Thọ nhiều lần được Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil tặng quà. Lần thứ nhất, đầu năm 2022, Hạnh tặng bị can Thọ 1 bộ gậy Golf nhãn hiệu Honma trị giá 1.1 tỷ đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe Plus, giá 421.000 USD. Lần thứ hai, tháng 3/2022, tại nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre, bà “trùm” xăng dầu đưa cho Lê Đức Thọ số tiền 200.000 USD. Lần thứ ba, vào tháng 5/2022, bị can Hạnh mua tặng Lê Đức Thọ xe ô tô hiệu Mercedes Ben - S450 Luxury, trị giá 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Lê Đức Thọ còn được Mai Thị Hồng Hạnh nhiều lần tặng tiền, quà chúc mừng sinh nhật, quà cảm ơn tổng trị giá 355.000 USD.
Khi “quà tặng” bị biến tướng không chỉ được ngụy trang bằng hiện vật, như đồng hồ, ô tô, hàng hiệu, mà còn bằng những “túi quà tiền tỷ”. Đó là trường hợp của cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đã tác động, chỉ đạo để Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty Sông Hồng “chia địa bàn” trúng thầu trong tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc AIC đã có 13 lần lên phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến tại trụ sở UBND và Tỉnh ủy Bắc Ninh, mỗi lần đưa từ 500 triệu đến 3 tỷ tổng số tiền lên đến 13 tỷ đồng.
Đánh giá về những hình thức nhận hối lộ được “ngụy trang” bằng quà tặng, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Không ít người trong số cán bộ đã tha hóa quyền lực không phải vì non kém trình độ, họ đều đã từng trải về chính trị, giàu kinh nghiệm thực tiễn nhưng chỉ vì những lợi ích cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà không thể đứng vững trước những cám dỗ của đồng tiền và chỉ đến khi bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự mới nhận ra sai lầm không thể cứu vãn, để lại nỗi đau cho bản thân, gia đình, bè bạn, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức”.
Thật vậy, nhìn lại các vụ việc quan chức cấp cao nhận quà biếu kể trên, có thể thấy, đây đều là các cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước, được đào tạo bài bản, nắm chắc những nguyên tắc, nghị quyết của Đảng, họ dành cả tuổi thanh xuân để rèn luyện, học tập, cống hiến, nhưng chỉ vì không có bản lĩnh chính trị vững vàng, nên đã bị “quà tặng” làm cho họ bị gục ngã trên đỉnh cao của danh vọng. Và hệ lụy của nó là làm hoen ố đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị; làm mất lòng tin và để lại dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.
Chỉ có bản lĩnh vững vàng mới tránh được “đạn bọc đường”
Các đây tròn 70 năm, ngày 5/9/1954 trong “Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rất kỹ CB, ĐV phải giữ vững bản lĩnh trước mọi tình huống, Bác chỉ rõ: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”. Do đó, yếu tố để tạo nên nền tảng “liêm, chính” vững chắc cho mỗi CB, ĐV không có cách nào khác là, xây dựng bản lĩnh chính trị thật vững vàng. Bởi vì, bản lĩnh chính trị của đội ngũ CB, ĐV là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định đến sức mạnh, uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chính vì lẽ đó, thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, nhất là sự liêm, chính của CB, ĐV, Đảng ta luôn đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi trọng việc tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ CB, ĐV. Thời gian qua, có một bộ phận không nhỏ CB, ĐV vì tham vọng quyền lực, ham muốn vật chất mà đánh mất lòng chính trực, sự liêm khiết của bản thân, gây ra không ít sai phạm trong các cơ quan công quyền; không ít cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự, làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng, Nhà nước; làm suy giảm danh dự, uy tín của cả hệ thống chính trị nước ta. Vì vậy, ngoài việc “điều trị” các triệu chứng, biểu hiện của tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cần phải chỉ ra được nguyên nhân của các loại “bệnh” này, đó chính là do thiếu tu dưỡng, thiếu “gốc” đạo đức, văn hóa, trong đó chủ yếu là do không ít CB, ĐV các cấp bất liêm, bất chính. Đồng chí Trần Minh Tính, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 7, Đặng Xá, huyện Gia Lâm cho biết: “Việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho CB, ĐV là toàn bộ các hoạt động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, làm cho CB, ĐV độc lập, sáng tạo, làm chủ hành vi chính trị của mình trước những bước ngoặt và tình huống phức tạp về chính trị, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao”.
Vì vậy, việc xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ CB, ĐV là nền tảng để xây dựng sự liêm, chính của Đảng và hệ thống chính trị, để nuôi dưỡng phẩm chất liêm, chính, trong sạch cho đội ngũ CB, ĐV, củng cố niềm tin và lý tưởng cách mạng. Đây chính là trụ cột tinh thần để CB, ĐV có bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách. Một khi đội ngũ CB, ĐV mà dao động, phai nhạt niềm tin, mất tính đảng, mất mục đích chính trị, mất sự trong sáng về lý tưởng, đạo đức cách mạng thì có thể bị sa vào vòng “chệch hướng”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái, biến chất, đây mới là sự nguy hiểm thật sự. Do đó, cách khắc phục duy nhất là, chăm lo vun đắp gốc rễ đạo đức và củng cố nền tảng tư tưởng, niềm tin cho CB, ĐV mới ngăn chặn, vượt qua được sự cám dỗ của những lợi ích vật chất tầm thường, sự biến tướng của “quà tặng”. Chỉ khi có lý tưởng và niềm tin vững vàng, thì tầm nhìn của CB, ĐV mới bao quát hơn, trí tuệ rộng mở hơn; từ đó, kiên định đường lối chính trị đúng đắn, vững vàng trước những thử thách, khó khăn, có ý thức chống lại sự xói mòn về tư tưởng, tu thân bằng đạo đức, tu tài bằng tri thức, thuyết phục người khác bằng sự liêm, chính, trong sạch của chính bản thân.
NGUYỄN VĂN TUÂN