“Vô cảm”-Tế bào độc của hệ thống chính trị
QPTĐ-“Vô cảm” không phải là bệnh lý, mà thuộc về lĩnh vực nhận thức tư tưởng của cá nhân mỗi người, như phong cách, đạo đức, lối sống. Những cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) mắc căn bệnh “vô cảm” thì rất dễ nhận biết, bởi nó bộc lộ bằng thái độ nhận thức và hành vi thờ ơ, lạnh nhạt, không quan tâm trước bất kỳ sự vật hiện tượng đang diễn ra xung quanh mình. Song, để khắc phục không phải một sớm một chiều, vì đây là căn bệnh của ý thức, do đó, cần có sự đấu tranh quyết liệt của các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị mới có thể loại bỏ được những tế bào độc này được.
Tranh minh họa: Internet
Nguyên nhân hình thành nên căn bệnh “vô cảm” thì có rất nhiều cách lý giải khác nhau, như ảnh hưởng của giáo dục, hay tác động mặt trái của cuộc sống. Nhưng nếu giải phẫu theo tâm lý học thì đây chính là sự trơ lì của cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại; an phận thủ thường, bạc nhược. Và tác hại của căn bệnh “vô cảm” thì thật ghê gớm, nó tàn phá lương tâm, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người và xã hội, tạo ra những tiền lệ xấu và dư luận không tốt. Xin nêu ra một số ví dụ cụ thể, như cách đây chưa lâu, vụ việc của quán Nhắng nướng, tỉnh Bắc Ninh có hành vi đánh đập, sỉ nhục, bắt một nữ khách hàng quỳ xuống sàn nhà rồi livestream trên mạng xã hội vì “dám” bóc phốt đồ ăn của quán không bảo đảm an toàn thực phẩm khiến dư luận lên án gay gắt và tạo làn sóng tẩy chay nhà hàng. Hay vụ cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất bị cha dượng đóng 9 chiếc đinh dài khoảng 2,1cm vào xung quanh đỉnh đầu bé, dẫn đến tử vong, khiến cho dư luận hết sức bàng hoàng và bức xúc. Bởi trong một xã hội văn minh, những giá trị nhân văn đang được đề cao, vậy mà vẫn còn đất sống cho những hành vi mông muội, man rợ, vô đạo đức, ngông cuồng coi thường pháp luật đến như vậy. Đây chính là căn bệnh “vô cảm”, đang làm vẩn đục và xói mòn dần truyền thống đạo lý tốt đẹp nhất của con người Việt Nam, là sống có nghĩa có tình, thủy chung, nhân ái rộng lòng độ lượng bao dung “Thương người như thể thương thân”. Do đó, đối với gia đình hay xã hội, thì căn bệnh “vô cảm” đều khởi nguồn cho sự suy thoái đạo đức của cá nhân hay của tập thể, đẩy đất nước đến tụt hậu, có thể làm nguy hại đến tính mạng con người và vận mệnh dân tộc.
Soi chiếu vào thực tiễn, căn bệnh “vô cảm” không chỉ có ở người dân, ngoài xã hội, mà nó tồn tại ngay trong cả đội ngũ CB, ĐV, nếu không thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, thì cũng sẽ mắc phải bệnh này. Biểu hiện của căn bệnh “vô cảm” trong CB, ĐV là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, tắc trách trong xử lý công vụ, gây khó khăn, cản trở ách tắc trong bộ máy hành chính, thấy việc cần phải làm nhưng không làm hoặc đặt ra những đòi hỏi trái khoáy, vô lý, cố tình kéo dài gây nhũng nhiễu để vụ lợi, khiến cho người dân, doanh nghiệp bức xúc, bất bình trước thái độ làm việc của họ. Điển hình là dư luận gần đây nóng lên vì sự vô cảm, tắc trách của hàng loạt cán bộ từ thấp đến cao, nhận lót tay của công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, làm thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân trong thời điểm khó khăn, khi đất nước phải căng sức đương đầu với đại dịch; hay hàng loạt các dự án, giá trị hàng nghìn tỷ đồng đắp chiếu nhiều năm mà chưa khởi công đi vào hoạt động... Không khó nhận ra bệnh “vô cảm”, nhưng làm sao để chữa được bệnh thì không hề đơn giản. Sự mất lòng tin trong xã hội, sự ích kỷ, tính thực dụng trong lối sống của một bộ phận CB, ĐV sẽ là nguyên nhân làm cho bệnh thêm nặng. Trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng ta cũng đã chỉ ra: “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”, là một biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống. Bài học đau xót khiến chúng ta không bao giờ được phép quên rằng, năm 90 của thế kỷ XX, vì mắc bệnh “vô cảm” thái độ thụ động và im lặng của gần 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô trước những biến động gay gắt, dữ dội của Đảng, của đất nước Liên Xô là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô Viết và sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Rút ra kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, ngày 25/10/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, trong đó có nhiều điểm mới so với Quy định 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011. Một trong điểm mới là Đảng làm rõ và bổ sung thêm biểu hiện căn bệnh quan liêu, “vô cảm” ở Điều 3: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Có thể nói, đó là sự bổ sung xác đáng từ nhận thức sâu sắc về thực trạng và tác hại của căn bệnh quan liêu, xa dân “vô cảm” với dân đã tồn tại dai dẳng, thậm chí có mặt diễn biến phức tạp hơn trong đội ngũ CB, ĐV.
Như vậy có thể khẳng định, bệnh “vô cảm” rất nguy hiểm, là “u nhọt” trong cơ thể của hệ thống chính trị, thế nên ngay chiều 22-7, phát biểu sau khi được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bầu chức danh Chủ tịch UBND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thể hiện rõ quyết tâm: “…Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, “vô cảm”, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; nhất là việc cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan hành chính của Thành phố. Mục tiêu quan trọng trước mắt để “Mỗi người dân, doanh nghiệp cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích từ quá trình cải cách hoạt động điều hành của chính quyền Thành phố-thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.
Do đó, để trị được căn bệnh này, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền làm thức dậy tình thương yêu con người, đồng loại, sự hy sinh và trách nhiệm của công dân đối với xã hội. Thì trước hết, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ CB, ĐV, nhất là người đứng đầu phải thật sự nêu gương trước Đảng và nhân dân, phải kiên quyết chống lại các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân, làm lan tỏa các giá trị tốt đẹp, tạo dựng môi trường xã hội nhân văn, tiến bộ, lành mạnh để vun đắp và không ngừng nhân lên những giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống nhân ái của dân tộc, làm cho cái tốt lấn át cái xấu, cái thiện chiến thắng cái ác, cái chân thực lấn át cái giả dối, đây mới chính là liều thuốc đặc trị chữa tận gốc căn bệnh “vô cảm”. Như vậy công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ hiện đại, văn minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa liêm chính, tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, đáp ứng yêu cầu phụng sự nhân dân, bảo vệ Tổ quốc mới giành thắng lợi tuyệt đối.
NGUYỄN VĂN TUÂN