A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Đoàn kết xuôi chiều”- Nguyên nhân của mất đoàn kết nội bộ

QPTĐ-Đoàn kết, thống nhất là vấn đề sống còn của Đảng, là cơ sở để thống nhất giai cấp, là sợi chỉ hồng kết nối toàn dân đưa cách mạng đến thắng lợi. Đây là nguyên tắc cơ bản có vị trí hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Vì vậy, yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) không chỉ là người có tâm sáng, lòng trong, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nguyên tắc, mà còn phải cụ thể hóa thông qua nói đi đôi với làm, “đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ”. Tuy nhiên, do lối sống thực dụng “dân chủ hình thức”, nên dẫn đến một bộ phận CB, ĐV chạy theo thành tích, đoàn kết xuôi chiều, là nguyên nhân phát sinh mất đoàn kết nội bộ trong Đảng.

Tranh cổ động.

Những tấm “bình phong”ngụy trang nguy hiểm

Biểu hiện nhân danh tập thể để ủng hộ tuyệt đối các quyết định của cá nhân, thường rơi vào những CB, ĐV cấp dưới thuộc quyền thiếu tính đấu tranh tự phê bình và phê bình, vì sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị cô lập, sợ bị mất quyền lợi của bản thân khi bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên, nên họ chọn giải pháp an toàn “nhất ngồi lỳ, nhì đồng ý” với mọi quyết định của cấp trên đưa ra, coi đó là quyết định của tập thể và chịu sự điều khiển của người đứng đầu. 

Tác hại của biểu hiện này khiến cho CB, ĐV thuộc quyền mất đi khả năng phản biện, tính sáng tạo, còn đối với CB, ĐV là người cán bộ lãnh đạo, chủ trì sẽ hình thành lên tính “tự cao, tự đại” ngộ nhận cho mình là người thông minh, sáng suốt trước mọi quyết định của bản thân, tất cả là đúng đắn, là chân lý, dẫn đến bên ngoài nghe có vẻ đoàn kết, thống nhất, nhưng thực chất là mất đoàn kết nội bộ bên trong, thậm chí có tổ chức Đảng mất sức chiến đấu.

Biểu hiện khi người đứng đầu gia trưởng ngụy trang bằng tấm bình phong “dân chủ hình thức”, với mục đích bảo vệ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm tiêu cực, họ sẵn sàng kéo bè, kéo cánh, cô lập và trù dập những người không cùng “cánh hẩu”, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của người khác, sẵn sàng nhắm mắt làm liều. 

Điều này không khó nhận biết, bởi những CB, ĐV này thường coi các cuộc họp, hay hội ý, giao ban, sinh hoạt của tập thể hàng ngày chỉ là quy định cho có, cho hợp lệ, mọi vấn đề, sự việc lớn nhỏ đều tự đặt cho mình cái quyền được quyết định tất cả. 

Cụ thể là trong các cuộc họp hay sinh hoạt luôn tỏ ra dân chủ “Các đồng chí cứ tranh luận thoải mái, các đồng chí cứ mạnh dạn đóng góp, tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu”, nhưng mọi người đều thừa biết, nếu tranh cãi, hoặc chỉ ra những tồn tại hạn chế thật sự của thủ trưởng trong hội nghị thì trước sau cũng sẽ bị định kiến, trù dập, nên tốt nhất là “nói ngọt cho lọt lỗ tai”. 

Nhiều vấn đề “nhạy cảm” cần đưa ra thảo luận chính trong hội nghị, họ thường sắp xếp thời gian khi hội nghị sắp kết thúc, nội dung đưa ra vắn tắt, không đầy đủ, chọn người phát biểu đầu tiên biết chắc là “ăn theo, nói leo” để người sau ngại nếu nói sai khác, hoặc vì lý do nào đó, những người hay phát biểu thẳng thắn vắng mặt, hoặc lấy “sự chặt chẽ của quy trình” để hợp thức hóa, áp đảo, hoặc biểu quyết bằng cách giơ tay thay vì bỏ phiếu kín. Khi có đại biểu cấp trên dự các buổi sinh hoạt phê bình, kiểm điểm, thì chuyện nội bộ luôn được giữ kín, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, toàn là ý kiến minh họa chủ tọa. 

Từ đó nảy sinh hiện tượng thiếu thống nhất, chạy theo thành tích, mất đoàn kết nội bộ, gây ra những tác hại nghiêm trọng, đó là Đảng mất cán bộ, Nhà nước và nhân dân mất tài sản, mất niềm tin vào một bộ phận CB, ĐV thoái hóa, biến chất. Điển hình như vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc trong việc cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án sử dụng đất; phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư công; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự, gây dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Hay dân chủ hình thức còn thể hiện cả trong việc kê khai tài sản, thu nhập của CB, ĐV không trung thực, như trường hợp của ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vừa bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật cách hết mọi chức vụ trong Đảng. Đây chính là một trong nhiều ví dụ về dân chủ hình thức, đoàn kết xuôi chiều, mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ trong tổ chức Đảng.

Phải quyết liệt thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, dù ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, việc đấu tranh chống lại sự chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, coi đó là việc cấp bách liên quan đến sự tồn vong của Đảng. 

Nói về sự nguy hại của căn bệnh “Đoàn kết xuôi chiều”, cách đây 84 năm, trong tác phẩm “Tự chỉ trích” viết năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu rõ: “Nếu “đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”. 

Nên có thể khẳng định, đoàn kết xuôi chiều như “sợi dây cháy chậm” đã bị châm lửa đang được kết nối với “khối thuốc nổ”, nếu không kịp thời phát hiện và dập tắt, nó có thể phá vỡ nội bộ Đảng ta. Trước lúc đi xa, để lại muôn vàn yêu thương cho đất nước và đồng bào, trong Di chúc, ngay từ những dòng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác ví sự đoàn kết của Đảng như con ngươi của đôi mắt, mất đoàn kết là mất đôi mắt, là mù phương hướng, là xa rời mục tiêu lý tưởng, mất đi sức mạnh của tổ chức chính trị tiên phong, là mất tất cả. Một con người mà không có đôi mắt thì quả thật khó khăn, bởi “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.

Để khắc phục tình trạng “Đoàn kết xuôi chiều” xây dựng khối đoàn kết thống nhất thực chất trong Đảng, nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc, chất lượng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Tự phê bình là cách mỗi người tự đánh giá để vừa thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình, vừa tạo điều kiện để những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, còn phê bình là “nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”. 

Để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, mỗi đảng viên, tổ chức Đảng cần nắm vững quan điểm và cũng là phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”. Cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải luôn gương mẫu thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, từ việc tham gia sinh hoạt Đảng, đóng góp, xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, Đảng bộ đến quá trình tổ chức thực hiện. Cần tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận, khuyến khích ý tưởng sáng tạo, cách làm đột phá. 

Đặc biệt là cần phát huy dân chủ đi đôi với thực hiện tự phê bình và phê bình, với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm trước Đảng, vì sự phát triển, tiến bộ của tổ chức. Bí thư cấp ủy cần phân tích, lắng nghe các ý kiến, chống cho được thói độc đoán, gia trưởng, lạm quyền. Cùng với đó là chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, tích cực xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

ThS. Lê Văn Thành (Viện KHXH&NV quân sự)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ