Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021
QPTĐ-Theo kế hoạch, bắt đầu từ 7/7/2021, thí sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021, trong đó 2 ngày thi chính thức sẽ diễn ra vào 7-8/7/2021. Dự kiến đến ngày 26/7/2021, điểm thi sẽ được công bố tới các thí sinh. Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt.
Diễn tập tổ chức thi THPT năm 2021 tại Hà Nội. (Ảnh: Internet)
Theo đó, các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2; không ở vùng phong tỏa hoặc cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 sẽ tham dự kỳ thi đợt 1 ngày 7-8/7/2021. Đợt thi thứ 2 dành cho đối tượng thí sinh không thể tham dự kỳ thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian cụ thể sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sau.
Bên cạnh đó, năm nay, các thí sinh được đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến và điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần trong khoảng thời gian từ ngày 7/8 đến 17h ngày 17/8/2021. Việc điều chỉnh sẽ không gây ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển của các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ căn cứ và chốt nguyện vọng theo lần đăng ký cuối cùng của thí sinh. Nhờ đó, học sinh sẽ giảm bớt áp lực, thêm cơ hội điều chỉnh quyết định và gia tăng cơ hội trúng tuyển.
63 tỉnh, thành phố sẵn sàng cho kỳ thi
Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các địa phương đều đã và đang có sự chuẩn bị tích cực và có phương án khả thi để tổ chức kỳ thi trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc.
Các địa phương đã tiến hành sàng lọc đối tượng thí sinh thành các nhóm F0, F1, F2 để có các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương. Các Hội đồng thi đều đã chuẩn bị các điểm thi dự phòng, các phòng thi dự phòng tại điểm thi để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường nếu có.
Đặc biệt, các địa phương đã triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phòng chống dịch như: Tiến hành phun khử khuẩn điểm thi, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay… ở các điểm thi và phòng thi. Tại mỗi điểm thi đều có bộ phận trực y tế. Các địa phương cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để hạn chế việc tụ tập đông người ở các khu vực tổ chức thi.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thí sinh có quyền chọn thi tốt nghiệp đợt 2, tuy nhiên Thành phố khuyến khích thi đợt 1 bởi đã siết chặt các biện pháp phòng dịch đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT đã rất cân nhắc tổ chức kỳ thi trên cơ sở đánh giá, theo dõi tình hình dịch bệnh từng ngày, từng giờ. Tối ngày 3/7/2021, đã có 85.036 thí sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2, đạt tỷ lệ 95,26% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 89.275 thí sinh. Cùng với đó, có 15.785 cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi cũng đã được xét nghiệm trong ngày, đạt 92,57% trong tổng số 17.052 người.
Hiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi đợt 1 tại 155 điểm cơ bản đã hoàn thành. Mỗi điểm thi đều xây dựng các phương án tổ chức kỳ thi an toàn, phù hợp với đặc thù. Điểm thi sẽ được khử khuẩn, vệ sinh trước ngày thi một ngày và sau mỗi buổi thi; mỗi điểm bố trí 2 phòng thi dự phòng, có nhân viên y tế trực liên tục để xử lý kịp thời các trường hợp có biểu hiện về sức khỏe. Các điểm thi không tổ chức khai mạc. Việc hướng dẫn quy chế và kiểm tra thông tin thí sinh được thực hiện tại phòng thi. Thí sinh vào điểm thi được phân luồng theo nhóm, được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đảm bảo giãn cách. Các em sẽ lên thẳng phòng thi, không tụ tập tại sân trường, trước cửa phòng thi. Mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh, không bật máy lạnh và mỗi người ngồi một bàn. Những thí sinh ho, sốt, sẽ được can thiệp y tế, bố trí thi tại phòng thi dự phòng.
Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn. Hà Nội đã rà soát, phân loại chính xác các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch; tổ chức tập huấn kỹ, bảo đảm tất cả thành viên làm nhiệm vụ tại điểm thi đều nắm vững quy chế thi, đặc biệt là những điểm mới của kỳ thi năm 2021, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất để ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh và tính nghiêm túc, an toàn của kỳ thi; tổ chức thanh tra đủ các khâu, bảo đảm kỳ thi được tổ chức rõ quy trình, đúng quy chế, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho thí sinh.
Bảo đảm quyền lợi của thí sinh
Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng với học sinh lớp 12 khi kết quả vừa sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học. Trải qua một năm học rất đặc biệt, khi cả hai học kỳ đều có thời gian phải nghỉ học để phòng dịch, hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước tiếp tục trải qua cảm giác căng thẳng vì ngày thi đã tới gần, trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Điều khiến nhiều thí sinh lo lắng hiện nay là quyền lợi của các em trong tuyển sinh sẽ được đảm bảo ra sao khi kỳ thi được tổ chức làm 2 đợt. Những thí sinh thi vào đợt 2 có bị mất cơ hội đỗ vào ngôi trường mình mong muốn. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ cũng đã tổ chức thành công hai đợt thi tốt nghiệp THPT và sau đó là xét tuyển sinh đại học, sử dụng kết quả thi THPT trong một đợt thống nhất. Việc đã có kinh nghiệm tổ chức xét tuyển sinh trong mùa dịch, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục đa dạng hóa và kết hợp các phương thức xét tuyển đã giúp giảm bớt khá nhiều áp lực và khó khăn đối với công tác tuyển sinh năm 2021.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đặc biệt là thí sinh diện F1, F2 hoặc đang bị cách ly, phong tỏa phải tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 2, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhất quán trong chủ trương xét tuyển chung, đảm bảo quyền lợi công bằng cho mọi thí sinh.
Cụ thể, sẽ tổ chức xét tuyển, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm sau khi hoàn thành cả hai đợt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Làm theo cách này, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các em. Với phương án này, các cơ sở đào tạo không cần tính toán, để dành chỉ tiêu xét tuyển đợt 2, giống như đã thực hiện trong năm 2020. Mọi phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, đề xuất đều nhằm mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng, chống dịch bệnh nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh.
Song Hà