A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ Tết trồng cây đầu tiên do Bác Hồ phát động

 

QPTĐ-Bác Hồ thường nói: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Trồng cây và trồng người, theo nghĩa rộng, là chủ đề nhiều bài viết và bài nói của Bác trong nhiều năm. Và kể từ Tết Canh Tý năm 1960 cho đến hết cuộc đời, năm nào Bác cũng viết bài về “Tết trồng cây”.

 

 

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 301

hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

 

Ngày 28-11-1959, dưới bút danh Trần Lực, Bác Hồ đã viết bài báo “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân. Bác viết: 


“Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp v.v. đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi. 


Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta yêu kính Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. 


Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt là thế này: 


Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. 


Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây. 


Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho "Tết trồng cây", ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu v.v..


Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. 


Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người-từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.


Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó trở đi, mỗi khi mùa Xuân đến, nhân dân ta lại tổ chức “Tết trồng cây” theo lời Bác. Không ai quên được lời thơ của Bác: Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.

 

Đến nay đã là 60 năm, chúng ta càng thấy ở công việc “Tết trồng cây” những ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc, cũng như những ý tưởng đi trước thời đại của Người trong việc giữ gìn sinh thái, môi trường thiên nhiên. Và bắt đầu từ Tết Canh Tý năm 1960 cho đến Tết cuối cùng trong cuộc đời, năm nào Bác cũng có bài viết “Tết trồng cây”, vừa là sự động viên nhân dân hăng hái trồng cây ngày Tết “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, vừa mãi mãi là sự chăm lo của Bác cho cuộc sống mưu sinh của nhân dân. 


Trong bài viết cuối cùng về “Tết trồng cây” ngày 5-2-1969, Bác viết: “Ngày nay, đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta. Tính chung trong mấy năm nay, theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, nhân dân ta đã trồng được hàng chục vạn hécta cây các loại trên các đồi, bãi, vườn, hai bên đường, trên bờ mương máng v.v.. 


Trong mấy năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhân dân ta càng nhận rõ lợi ích của việc trồng cây, cho nên phong trào trồng cây càng phát triển. Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay v.v.. Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn...”.

 

Tiếp đó, Bác biểu dương một số đơn vị, địa phương thực hiện tốt Tết trồng cây. Bác lấy ví dụ thực tiễn, sinh động để phân tích ích lợi của việc trồng cây. Bác cũng nhẹ nhàng nhắc một số địa phương làm chưa tốt. Cuối bài viết, Bác nêu kinh nghiệm: “Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực”. Và Bác cũng không quên phát động: “Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.


Tết năm ấy, Tết Kỷ Dậu năm 1969, Bác Hồ đã gửi cho toàn dân bài thơ chúc Tết cuối cùng. Bác chúc toàn dân cả nước một lòng hăng hái tiến lên, để cho Bắc Nam sum họp một nhà:


“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên!
Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn”.


Có lẽ linh cảm đây là cái Tết cuối cùng của mình nên dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác Hồ vẫn đặt chương trình đi thăm và chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây. Và sáng 16-2-1969 (tức ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đến trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì-khi đó thuộc tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương, Bác nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.


Hôm ấy, trồng cây xong, đã gần trưa, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đã kính mời Bác ăn bữa cơm Tết cùng địa phương. Bác bảo: Bác cảm ơn, vì những người giúp việc đã chuẩn bị cơm cho Bác rồi; và Bác mời đồng chí Bí thư, Chủ tịch, chị Phó Chủ tịch UBND xã ăn cơm cùng Bác ngay tại đồi.


Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhưng “Tết trồng cây” do Người phát động đã trở thành một mỹ tục tốt đẹp trong nhân dân. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ