A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân Lê Hàm và giấc mơ “đào tiến vua”

 

QPTĐ-Khi đất trời vẫn còn mơ màng trong sương giá, nghệ nhân Lê Hàm đã ở bên những gốc đào thất thốn-giống đào tiến vua ngày xưa được anh nâng niu trong những phòng điều hòa dựng trên khuôn vườn đào Nhật Tân, ngoài bãi sông Hồng. Nghệ nhân Lê Hàm cười hiền bảo: Đã hơn 20 năm nay, tôi ăn cùng đào, ngủ cùng đào và mơ những giấc mơ về giống đào tiến vua “sang chảnh” này.

 

 

Nghệ nhân Lê Hàm luôn “lắng nghe” từng gốc đào thất thốn. 

 

“Lắng nghe” đào… thở


Thức dậy từ sớm và bươn bả đến với vườn đào như vậy chỉ vì nghệ nhân này muốn “lắng nghe” đào… thở; “lắng nghe” đào cần gì: Nước, không khí, nhiệt độ, ánh sáng…? Nghe thật kỳ dị nhưng với Lê Hàm thì đây là công việc hàng ngày của anh với gần 90 gốc đào thất thốn trong vườn nhà. Bởi lẽ, nếu không hiểu đào muốn gì thì có lẽ anh đã không thể chinh phục được giống đào quý này và có lẽ cũng phải “rửa tay gác kiếm” như bao nghệ nhân khác ở làng đào Nhật Tân nổi tiếng.


Anh bảo, nhiều lúc lặng im, trầm tư như “lên đồng” trước từng nụ đào vẫn im lìm trong áo nâu sẫm mà đoán biết được chừng nào sẽ nở để còn thúc hoặc hãm lại theo đúng đơn đặt hàng của khách, có khi phải đúng Tết cũng có khi dành đến quá rằm tháng Giêng. Cũng có hôm, một mình anh lặng người trước cành đào rung rinh trong sương sớm với những nụ đào e ấp mọc liên tiếp 7 bông trên một thốn (đốt ngón tay)- thế mới có tên là thất thốn; hay lặng người trước bông đào đỏ, phớt hồng  trổ ra từ gốc, từ thân cây xù xì (chỉ đào thất thốn mới có) bung nở đến mấy mươi cánh rạng rỡ đón gió xuân. “Tôi gọi đó là lời cảm ơn của đào đối với mình. Trong bao niềm hạnh phúc, tôi đã luôn cố gắng ghi lại những khoảnh khắc ấy bằng… điện thoại và cũng có khi gọi điện cho những người bạn thân đến cùng thưởng thức” -Lê Hàm vừa kể vừa cười thật hiền.


Vực dậy một thú chơi


Chỉ tay về bốn phòng điều hòa được dựng lên giữa vườn, phòng nào cũng xếp ăm ắp những chậu đào thất thốn, anh bảo đào của anh được “cưng chiều” như thế đấy. Lúc thời tiết thuận lợi, anh sẽ mở bung mái để đào vẫn đón nắng, đón gió tự nhiên. Lúc thời tiết bất lợi, anh lại che chắn kín và bật điều hòa cho đào. Với anh, đào thất thốn rất cần được “cưng chiều” để chúng nở hoa theo đúng ý mình, ý khách. Cũng vì đây là giống đào có đặc tính “sang chảnh”, nếu để tự nhiên, đào sẽ nở hoa chẳng giống ai-không nở vào ngày Tết mà phải sau rằm tháng Giêng. Chính bởi sự “sang chảnh” ấy mà giống đào quý tiến vua này đã từng bị quên lãng…


Nhớ lại những ngày đầu, không một lời kể khó, nghệ nhân Lê Hàm bảo đấy là những tháng năm đầy ý nghĩa của anh và gia đình. Sau khi xuất ngũ, người lính Vị Xuyên ấy trở về quê hương bắt tay làm nghề vườn. Anh đã có những tháng ngày rong ruổi không biết mệt cùng chiếc xe babasta đến khắp các vườn đào ở Nhật Tân, để rồi không thôi tiếc nuối trước vẻ đẹp không thể trộn lẫn của những bông đào thất thốn đang dần mai một trong tâm thức của người Hà thành cùng nỗi niềm trăn trở, tìm cách vực dậy một thú chơi đào thất thốn của người Hà thành.


Vì vốn là người ham học hỏi cũng như đã có kinh nghiệm trồng đào từ tấm bé nên việc nhân giống đào thất thốn cho ra đủ 4 loại thân đỏ hoa đỏ, thân trắng hoa nhạt hơn một chút, thân trắng hoa 5 cánh đơn, thân trắng hoa 5 cánh kép cũng như chăm bón sao cho hoa viên mãn, Lê Hàm đều có thể sớm thành công. Điều khó nhất đối với anh, mà cũng là khó đối với bất kỳ ai say sưa với đào thất thốn là làm thế nào để đào nở hoa đúng Tết. Mãi đến năm 2003, anh bắt đầu tìm được hướng đi bằng việc làm nhà cho đào, ban đầu là ghép tre, phên che cho đào lúc thời tiết bất thường, sau là dựng khung lợp mái tôn. Tất nhiên, nhà cho đào hồi đầu chỉ là chống đỡ thời tiết chứ còn để hoa đào nở đúng cữ là chưa thể. May vào năm nhuận, đào thất thốn xuất hiện trở lại đã đem lại cho thị trường hoa ngày Tết nét mới, song gần như mọi người chỉ tìm đến để… ngắm chứ không mua. 


Khi nghĩ ra cách đưa đào vào phòng điều hòa để gần trăm gốc đào của anh giờ đây không chỉ nở hoa đúng ý khách mà còn có những số lượng cánh hoa theo ý chủ nhân thì Lê Hàm bắt đầu thắng lợi. Trước Tết cả tuần, những gốc đào thất thốn nhà anh đã được đặt hàng hết veo. Theo đà này, mấy năm qua, anh đã mạnh dạn chuyển đến 80% số lượng đào trồng trong khu vườn rộng đến vài nghìn m2 thành đào thất thốn. Và anh cũng trù liệu, vài ba năm nữa sẽ tập trung 100% công sức vào loại đào quý hiếm này.

 

Là ông chủ của vườn đào quý có giá trị lên đến tiền tỉ nhưng lúc nào Lê Hàm cũng đầu bù, quần xắn, … kiểu dáng nhà nông chân chỉ xưa kia. Và dù có đến vài ba người phụ việc nhưng lúc nào anh cũng tất bật bên những cây đào thất thốn lên đến vài chục năm tuổi vì lo rằng không kịp nghe chúng cần gì cũng như sợ lỡ những mong muốn của mình. Lý giải về niềm say mê với giống đào quý này, Lê Hàm bảo, cũng vì đây là con đường anh chỉ có thể tiến không có bước lùi nhưng tôi lại nghĩ rằng, đấy là niềm tâm huyết cũng như cái chí bền gan của một nghệ nhân đậm chất lính này.


Tuấn Kiệt

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ