A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuân năm Rồng kể chuyện Hoàng thành Thăng Long

QPTĐ- Mùa Thu năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long, để từ đó vùng đất này trở thành kinh đô mãi muôn đời.  Trong Chiếu Dời đô, đức vua đã khẳng định vị trí địa linh nhân kiệt của mảnh đất Thăng Long-Rồng bay: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước… Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long để cảm phục tài năng, trí tuệ, tầm nhìn và ý chí quyết đoán, sáng suốt của vị vua sáng lập triều đại nhà Lý-Lý Công Uẩn.

Cột cờ Hà Nội được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn 

trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long.

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập ra vương triều Lý, lấy niên hiệu là Thái Tổ, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968-979) và Tiền Lê (980-1009), nằm ở vùng núi non hiểm trở với địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh thắng, thoái có thể bảo vệ). Song vị vua 35 tuổi quyết định dời đô ra thành Đại La. Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn viết, thành Đại La “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Trong Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá rất cao việc dời đô của Lý Công Uẩn: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có, phía Tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng, phía Bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền Đông Nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Cần Xương thì liên lạc bằng trạm là nơi bốn phương của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài. Có thể làm nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt không nơi nào hơn được nơi này... Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô, đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể làm được”.

Mùa Thu năm 1010, Lý Công Uẩn cùng hoàng triều và tướng lĩnh giong thuyền về Đại La. Trong một giấc mơ, ông đặt tên kinh thành là Thăng Long với nghĩa “rồng bay”.

Ngay từ năm 1010, khi mới định đô Thăng Long, Lý Công Uẩn đã khởi công xây dựng Hoàng thành và hàng loạt cung điện ở trong Hoàng thành. Hoàng thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở bốn cửa: Tường Phù ở phía Đông, Quảng Phúc ở phía Tây, Đại Hưng ở phía Nam, Diệu Đức ở phía Bắc.

Tuy còn những ý kiến khác nhau, nhưng căn cứ vào sử liệu và di tích còn lại, có thể xác định cửa Tường Phù mở ra phía Chợ Đông và khu phố buôn bán tấp nập của phường Giang Khẩu và đền Bạch Mã.

Cửa Quảng Phúc mở ra phía chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) và chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà). Cửa Đại Hưng ở khoảng gần Cửa Nam hiện nay. Cửa Diệu Đức nhìn ra trước sông Tô Lịch, khoảng đường Phan Đình Phùng hiện nay.

Những cung điện chính còn thấy trong sử sách như điện Càn Nguyên là nơi thiết triều đặt trên núi Nùng tức núi Long Đỗ, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và điện Giảng Vũ. Bên trái mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân, bên phải mở cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính Bắc dựng điện Cao Minh.

Thềm các quan chầu vua gọi là Long Trì có hành lang chạy xung quanh. Đằng sau điện Càn Nguyên là điện Long An và điện Long Thụy làm nơi nhà vua nghỉ ngơi. Bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải xây điện Nguyệt Minh, đằng sau là cung Thúy Hoa là nơi ở của các phi tần.

Năm 1029, Lý Thái Tôn xây dựng lại toàn bộ khu cấm thành sau khi nơi đây bị tàn phá bởi vụ Loạn tam vương. Trên nền cũ điện Càn Nguyên, Lý Thái Tôn cho dựng điện Thiên An làm nơi thiết triều.

Hai bên tả hữu là điện Tuyên Đức và điện Thiên Phúc. Phía trước điện Diên An là sân Rồng có đặt một quả chuông lớn. Hai bên tả hữu sân rồng có đặt gác chuông. Phía Đông, Tây sân Rồng là điện Văn Minh và điện Quảng Vũ, phía trước sân rồng là điện Phụng Tiên, trên điện có lầu Chính Dương là nơi báo canh, báo khắc.

Sau điện Diên An là điện Thiên Khánh hình Bát Giác. Sau điện Thiên Khánh là điện Trường Xuân. Trên điện Trường Xuân có gác Đồ Long. Từ điện Thiên Khánh nối với điện Thiên An ở phía sau đều có bắc cầu gọi là cầu Phượng Hoàng.

Năm 1293, vua Lý Cao Tôn bắt đầu một đợt xây dựng mới. Cung điện mới được xây ở phía tây tẩm điện. Bên trái dựng điện Dương Minh, bên phải dựng điện Chính Nghi, ở trên xây điện Kính Thiên, thềm gọi là Lệ Giao. Ở giữa mở cửa Vĩnh Nghiêm, bên phải mở cửa Việt Thành, thềm gọi là Ngân Hồng. Đằng sau xây điện Thắng Thọ.

Bên trái xây gác Nhật Kim, bên phải xây gác Nguyệt Bảo, xung quanh dựng hành lang thềm gọi là Kim Tinh. Bên trái gác Nguyệt Bảo là tòa Lương Thạch, phía Tây xây gác Dục Đường (nhà tắm). Phía sau xây gác Phú Quốc, thềm gọi là Phượng Tiêu. Phía sau dựng cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư trên ao xây đình Ngoạn Y. Ba mặt đình có trồng hoa thơm cỏ lạ nước thông với sông.

Ngoài ra các cung điện khác cũng được xây dựng liên tục, không đời nào mà mấy năm không có. Mỗi cung điện thường đều có tường bao xung quanh và làm cửa thông với cung điện khác.

Ngoài cung điện, các vị vua nhà Lý còn cho xây dựng nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng khác để phục vụ cho vua và hoàng tộc như đền Quan Thánh, chùa Chân Giáo (nơi vua Lý Huệ Tôn đã tu hành), đài Chúng Tiên dựng năm 1161, tầng trên lợp ngói bạc, hồ ao làm cảnh cũng được lập khá nhiều trong Hoàng thành.

Năm 1049, đào hồ Kim Minh vạn tuế, đắp núi đá cao ba ngọn trên mặt hồ và xây cầu Vũ Phượng đi vào, 10 năm sau lại xây thêm điện Hồ Thiên bát giác ở đấy. Năm 1051 đào hồ Thụy Thanh, hồ Ứng Minh.

Năm 1098, đào hồ Phượng Liên và xây tại đây điện Sùng Uyên, bên trái lập điện Huy Dương, đình Lai Phượng bên phải dựng điện Ánh Thiềm, đình Át Vân, phía trước xây lầu Trường Minh, phía sau bắc cầu Ngoạn Hoa. Nhiều vườn ngự cũng được dựng trong Hoàng thành.

Mùa Thu năm 1048, mở luôn ba vườn ngự: vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh và vườn Xuân Quang. Năm 1065, mở thêm vườn Thượng Lâm. Giữa thế kỷ 14 lại dựng một vườn ngự nữa nối liền với hậu cung.

Theo sử cũ còn ghi giữa vườn có đào một cái hồ lớn: “Trong hồ chất đá làm núi, trên bờ hồ trồng thông, trúc và nhiều thứ hoa kỳ diệu thảo khác, thêm vào đấy là chim quý, thú lạ. Bốn mặt khai cho sông nước thông vào, gọi hồ ấy là hồ Lạc Thanh Trì. Về phía Tây hồ trồng hai cây quế, dựng một tòa điện gọi là điện Lạc Thanh. Lại đào các hồ nhỏ khác, bắt người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào hồ ấy, để nuôi các loài hải sản như đồi mồi cá biển và các loại ba ba. Rồi bắt người Hóa Châu thả cá sấu vào đấy. Lại có hồ Thanh Ngư để nuôi cá Thanh Phụ (cá diếc đuôi đỏ vảy biếc)... Lại làm dãy hành lang ở Tây điện thẳng đến cửa Hoàng Phúc, dựng dãy Trường Lang từ gác Nguyên Huyền đến cửa Đại Triều phía Tây”.

MINH ĐỨC

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ