Văn hóa: Nguồn lực nội sinh phát triển Thủ đô bền vững
QPTĐ-Phát triển văn hóa và con người Hà nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô-Là những mục tiêu quan trọng được xác định trong Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Gìn giữ văn hóa truyền thống nghìn năm Thăng Long-Hà Nội để xây dựng, phát triển Thủ đô bền vững.
Truyền thống nghìn năm văn hiến
Có thể nói, văn hóa Hà Nội được hình thành từ khi Vua Lý Công Uẩn lấy Thăng Long làm nơi định đô, kết hợp từ văn hóa bản địa với văn hóa các vùng miền theo người dân các nơi mang về, được tiếp thu, tiếp biến tạo ra bản sắc riêng, mang đậm chất Kinh kỳ. Sau này, nét văn hóa đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiếp tục được phát huy trong cuộc sống hiện nay. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thăng Long kết hợp với văn hóa xứ Đoài tạo ra tính đa dạng, xong vẫn giữ được đặc trưng riêng. Văn hóa Thăng Long vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy.
“Không thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nét thanh lịch truyền thống đó được coi là giá trị nhân văn và là niềm tự hào của bao người Hà Nội. Để tạo nếp sống văn hóa mới trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các phong trào văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài các mô hình: Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều nơi còn thực hiện phong trào làm sạch ngõ xóm vào sáng thứ 7, hình thành con đường bích họa, con đường nở hoa... Cũng để định hướng các chuẩn mực ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với tình hình mới, hơn 3 năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Từ khi ra đời, hai bộ Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, chiến lược, tầm nhìn phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội được quan tâm, xây dựng phù hợp với xu thế của thời đại. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO-Một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng một thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Hà Nội cũng tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội…) được dư luận xã hội và nhân dân đánh giá cao, trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch nổi bật.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy đặt yêu cầu: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thanh lịch, văn minh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố phát triển văn hóa và xây dựng con người trong quá trình phát triển kinh tế... Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.
Trong Chương trình 06-Ctr/TU, Thành ủy Hà Nội cũng đề ra 14 nhiệm vụ về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó xác định, xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị; phải chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan nhà nước; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị văn hóa sâu sắc của Thăng Long-Hà Nội...
Đề đạt được mục tiêu, yêu cầu, Thành ủy Hà Nội đề ra 6 giải pháp trọng tâm. Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình số 06-CTr/TU. Hai là, huy động các nguồn lực. Ba là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Bốn là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước. Năm là, tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế. Sáu là, phát huy sức mạnh hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Trong đó, Chương trình 06-CTr/TU xác định ưu tiên đầu tư từ ngân sách Thành phố cho phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Triển khai tích cực, có hiệu quả xã hội hóa đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể thao; tháo gỡ khó khăn các dự án đã và đang triển khai; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa phải tương xứng với tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô. Đặc biệt, Chương trình số 06-CTr/TU cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Thành ủy khóa XVII về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực này trong tình hình mới.
Đức Minh