A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

 

QPTĐ-Với vị thế là kinh đô nghìn năm văn hiến, Thủ đô của cả nước, Hà Nội là nơi hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước, là sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất Việt Nam trong mỗi con người Hà Nội. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trước hết là thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân Thủ đô.

Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định một trong những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm là: “Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc”. 

Xác mục tiêu này được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII cụ thể hóa tại Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Chương trình xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thanh lịch, văn minh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố phát triển văn hóa và xây dựng con người trong quá trình phát triển kinh tế... 

Các mục tiêu, yêu cầu trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào như xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”...; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Thông qua triển khai các giải pháp, bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan với nhiều mô hình, sáng kiến hay, phong phú, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị. Từ khi phong trào hình thành tới nay, nhiều hoạt động tôn vinh danh hiệu “Gia đình văn hóa”, từ Thành phố đến cơ sở diễn ra phong phú, sôi nổi và trang trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền Thành phố các cấp đối với công tác này, đồng thời là nguồn động viên thiết thực đối với các gia đình. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trung bình hằng năm đạt trên 85%. Tính đến nay, trên toàn Thành phố đã có 87,5%  số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 71,5% số tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Cùng với đó, Phong trào xây dựng “Làng văn hóa” cũng là nội dung chính trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong công tác xây dựng mô hình “Làng văn hóa”, có 60,5% số thôn, làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”.

Để tiếp tục thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2026. Kế hoạch huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để văn hóa phát triển, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân Thủ đô. Qua đó, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội.

Hà Nội cũng xác định chỉ tiêu cụ thể đến năm 2026: 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 86-88% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 65% thôn, làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 75% tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Thành phố xác định những giải pháp trọng tâm. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đưa mục tiêu thực hiện Phong trào vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung  lãnh đạo, chỉ đạo. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm.

Về huy động các nguồn lực để tổ chức, thực hiện phong trào, Thành phố tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa như khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao…

Cùng với đó, thực hiện các giải pháp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ như: Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện cho ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp; đổi mới công tác tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy phong trào; giới thiệu, tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, tiêu biểu, có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo trong xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

P.Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ