A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai tuyến đường mang tên hai nữ Anh hùng dân tộc đầu tiên của Việt Nam

 

QPTĐ-Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc có rất nhiều cuộc khởi nghĩa, kháng chiến tiêu biểu chống giặc ngoại xâm, giành lại bờ cõi cho non sông, đất Việt. Trong số đó, chúng ta vẫn còn nhớ tới cuộc khởi nghĩa oanh liệt của hai Bà Trưng-hai nữ Anh hùng dân tộc đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, tại quận Hà Đông, Trưng Trắc, Trưng Nhị được đặt tên cho hai tuyến đường song song, liền kề nhau như chính mối liên hệ đặc biệt-sinh đôi-của hai Bà.

Một góc đường Trưng Trắc.

Hai tuyến đường mang tên Trưng Trắc, Trưng Nhị

Đường Trưng Trắc bắt đầu từ phố Hoàng Văn Thụ tới đường Trần Hưng Đạo (đối diện chợ Hà Đông). Tuyến đường có chiều dài 80m, rộng 5m. Kế đó, đường Trưng Nhị song song với Trưng Trắc nhưng dài hơn, từ đường Quang Trung, chạy qua các phố Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ và cũng kết thúc tại đường Trần Hưng Đạo (đối diện chợ Hà Đông). Đường có chiều dài khoảng 250m, rộng 6m.

Trên tuyến đường Trưng Trắc có các địa điểm nổi bật như Nhà hàng Cầu Am, shop Hoa tươi...; đường Trưng Nhị có nhiều shop thời trang, các gian hàng văn phòng phẩm phục vụ cho học sinh, sinh viên... Hai tuyến đường đều nằm trong khu trung tâm của quận Hà Đông, lại cạnh chợ lớn Hà Đông nên nơi đây luôn đông dân cư, rất thuận tiện cho việc kinh doanh cà phê, hàng quán và các cửa hàng tiện ích... 

Đường Trưng Nhị.

Hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên

Theo sử cũ, Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Hai Bà là con gái bà Man Thiện, cũng là một phụ nữ đảm lược, quê hương ở vùng Ba Vì. Ngọc phả ở các làng Hạ Lôi và Hát Môn-những nơi có đền thờ chính của Hai Bà-đều chép Hai Bà sinh vào ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất (năm 14 sau công nguyên). 

Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên Thái thú Tô Định là người vô cùng bạo ngược, tham lam. Hai bà cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết. 

Hận giặc hãm hại nhân dân, giết hại chồng mình, vào một sáng mùa Xuân năm 40, tại đất Mê Linh, Hai Bà Trưng đã làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa Sông Hát trên Sông Hồng (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với lời thề trước giờ xuất binh: Một xin rửa sạch nước thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kêu oan ức lòng chồng/Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão, đánh đuổi Tô Định phải bỏ chạy về nước. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã quét sạch giặc thù khỏi bờ cõi và được tôn làm Vua, đứng đầu đất nước độc lập trong thời gian ba năm.

Sau đó, nhà Hán sai Mã Viện cầm đầu đại quân sang tái xâm lược. Hai Bà Trưng đã dũng cảm đương đầu cùng quân giặc, tổ chức kháng chiến đánh những trận lớn từ Tây Vu, Lãng Bạc đến Cấm Khê và cuối cùng đã hy sinh anh dũng vào mùa hè năm Quý Mão (năm 43 sau công nguyên).

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ