Con phố mang tên vị “Bao Công” của Việt Nam
QPTĐ-Nhắc tới Hà Nội, từ xa xưa, người ta đã mệnh danh nơi đây với 36 phố phường. Trải qua thời gian, Hà Nội ngày nay rộng hơn nhiều so với trước đây, những con phố mở ra không chỉ mang tên gắn liền với mặt hàng kinh doanh đặc sắc của khu phố đó mà còn được đặt tên của những vị tướng lỗi lạc, giáo sư, bác sĩ… có nhiều đóng góp đối với nước nhà. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc tới con đường mang tên vị tướng Quân đội. Tuy không phải là một quan toà nhưng ông lại được mệnh danh là “Bao Công” của Việt Nam, đó là nhà cách mạng Trần Đăng Ninh.
Góc phố Trần Đăng Ninh (Ảnh: Internet)
Vị “Bao Công” của Việt Nam
Trần Đăng Ninh, vị “Bao Công” của Việt Nam, sinh năm 1910, tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, quê tại thôn Quảng nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội), trong gia đình nông dân nghèo. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân khổ cực, lầm than, ông đã sớm có lòng yêu nước và giác ngộ cách mạng. Với những tố chất thông minh, cộng với tình yêu sâu sắc đối với quê hương, đất nước, ông trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Không thể ở yên nơi làng quê để chịu cảnh là người dân nô lệ, khi là thanh niên, đồng chí đã ra thành phố, làm công nhân tại Nhà in Lê Văn Tân. Tại đây, năm 1935 ông được đồng chí Nghiêm Kình giác ngộ cách mạng. Năm 1936 được kết nạp vào Ðảng. Với năng lực công tác vượt trội, mới ba tuổi Ðảng, ông được chỉ định vào Thành ủy Hà Nội; năm 1940 tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ; tháng 5-1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, ông được bầu làm Ủy viên BCH T.Ư Ðảng; tháng 7-1941 làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 21/11/1941, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, đi đày ở Sơn La, cùng Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Ông vượt thoát ngục Sơn La vào tháng 3/1943. Nhưng đến tháng 9 năm 1943 thì bị bắt lại và bị giam tại nhà tù Hỏa aaLò Hà Nội. Tháng 3 năm 1945, ông vượt ngục lần hai.
Ngày 15/5/1945, tại Lễ thành lập Việt Nam Giải phóng quân ở làng Quặng, xã Định Biên, Định Hóa, ông được cử làm chính trị viên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng. Tháng 8 năm 1945, ông được cử vào Tổng bộ Việt Minh, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc và Đại hội Quốc dân Tân Trào.
Tháng 9/1946, Trần Đăng Ninh được Trung ương giao nhiệm vụ cùng Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị căn cứ địa và cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phụ trách “Công tác đội” chuẩn bị An toàn khu.
Năm 1947, ông được cử giữ chức Trưởng ban Kiểm tra Ban chấp hành Trung ương Đảng kiêm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Điều đáng nói, từ khi được gặp và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Ðăng Ninh trở thành một người được tin cậy, giao cho nhiều trọng trách của Ðảng và Nhà nước, nhiều nhiệm vụ đặc biệt. Ðó là việc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc; là người phụ trách, Trưởng ban Kiểm tra đầu tiên của Ðảng (năm 1948)...
Năm 1950-1955, đồng chí được cử làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, trở thành người đầu tiên tổ chức xây dựng ngành hậu cần quân đội, kiêm trưởng ban cung cấp chiến dịch Biên Giới (1950), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (dự khuyết từ năm 1941). Nhờ tổ chức tốt công tác này mới bảo đảm mọi thắng lợi của các chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Biên giới và Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Điều đặc biệt về ông, tuy không phải một vị quan tòa, nhưng lại được mệnh danh là “Bao Công” của Việt Nam, nhờ những lần “xử án” rất tài tình, đúng đắn, có tình có lý, không bao giờ để lọt người có tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Vụ án “Gián điệp H122” là ví dụ. Đây là một trong những vụ án nổi tiếng nhất ông xử lý vô cùng độc đáo nhưng rất chuẩn xác, giúp minh oan cho mấy trăm cán bộ và quần chúng vô tội; sau này trở thành bài học kinh điển cho công tác phòng chống gián điệp của ta.
Và con phố Trần Đăng Ninh
Đến quận Cầu Giấy, Hà Nội, hỏi người dân nơi đây về phố Trần Đăng Ninh, ai cũng biết, bởi tuyến phố là cửa ngõ vào Làng Quốc tế Thăng Long, khu tập thể Nghĩa Tân-nơi có mật độ dân cư đông đúc. Khu vực này là nơi đứng chân của nhiều cơ quan, doanh nghiệp như: Nhà hàng Trống Đồng, Bảo hiểm xã hội quận, Kho bạc Nhà nước quận, UBND phường Dịch Vọng... hàng ngày thu hút rất đông người đến giao dịch.
Phố Trần Đăng Ninh dài 700m, từ đường Cầu Giấy qua khu làng Quốc tế vòng sang đường Nguyễn Phong Sắc. Phố được đặt tên vào tháng 7 năm 1999. Chính huyết mạch nơi đây đã giúp cho nhiều tập thể, cá nhân thuận tiện trong kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ đưa kinh tế của quận ngày một phát triển.
Hiền Mĩ