A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con đường mang tên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam-Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

QPTĐ-Nhắc tới đồng chí Võ Chí Công-học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn ghi nhận: Trong suốt cuộc đời gắn bó với mục tiêu chung của dân tộc, đồng chí “luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng với tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường quốc phòng-an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để ghi nhớ công lao của đồng chí, năm 2015, thành phố Hà Nội đã đặt tên cho con đường, với 10 làn đường-huyết mạch đi Sân bay Nội Bài (thuộc địa phận quận Cầu Giấy và Tây Hồ).

Cuộc đời hoạt động cách mạng

Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Tháng 5/1930, đồng chí bắt đầu tham gia cách mạng; đến tháng 5/1935, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được cử làm Bí thư Chi bộ Mỹ Sơn, Chi bộ ghép một số xã thuộc huyện Tam Kỳ. Từ một bí thư chi bộ, với tài năng, trí tuệ và tinh thần nhiệt huyết cách mạng, đồng chí được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam. Đồng chí là một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ trong thời kỳ khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở Quảng Nam những năm 1939-1945.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo nhân dân Hội An chớp lấy thời cơ, khởi nghĩa sớm hơn kế hoạch, lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh nhất tề đứng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước vào ngày 18/8/1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được Đảng phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam-Đà Nẵng đến Phú Yên, gây dựng cơ sở tại các tỉnh Nam Trung bộ; phụ trách công tác quân sự, xây dựng LLVT Liên khu 5, lãnh đạo nhân dân Liên khu 5 kháng chiến; Là Bí thư Ban cán sự khu Đông Bắc Campuchia, Khu ủy viên khu V, làm nhiệm vụ quốc tế giúp hai nước bạn Lào và Campuchia...

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bí thư Liên khu ủy 5, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5... Đồng chí là linh hồn của phong trào cách mạng Liên khu V (bao gồm cả Nam Trung bộ và Tây Nguyên)...

Trong những năm gian khó của đất nước sau chiến tranh, trước hết là những bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đồng chí sớm tìm tòi, tiên phong trong đổi mới về tư duy kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí cùng các thành viên ủy ban, Hội đồng Nhà nước tập hợp rộng rãi ý kiến của nhân dân, kiên trì đấu tranh với quan điểm sai trái, kiên định những nội dung cơ bản về dân chủ, pháp quyền XHCN; luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng, sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp...

Và con đường mang tên đồng chí Võ Chí Công

Đường Võ Chí Công dài 4,25km, chính thức khởi đầu tại nút giao với phía Nam cầu Nhật Tân và kết thúc điểm giao tại ngã tư Hoàng Quốc Việt-Hoàng Hoa Thám. Đường có chiều rộng 57,2 km đến 64,5km là khu giao thương chính kết nối với các quận nội thành như: Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình, Bắc Từ Liêm và Hoàn Kiếm, cũng như các khu vực, tỉnh, thành lân cận.

Năm 2015, UBND thành phố Hà Nội gắn biển tên đường Võ Chí Công nhân sự kiện quan trọng-85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đặt tên tuyến đường nhằm ghi nhớ những đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo tài ba của dân tộc.

Đường Võ Chí Công sầm uất cả về hành chính, kinh tế và dịch vụ của Thủ đô Hà Nội. Từ khi được chính thức đặt tên và chuyển trụ sở 8 sở như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc... về đây thì diện mạo con đường Võ Chí Công  thay đổi hoàn toàn.

Hiền Mĩ
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ