A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con đường mang tên anh hùng vĩ đại của dân tộc, Danh nhân Văn hóa kiệt xuất

 

QPTĐ-Nhắc tới Nguyễn Trãi, người dân đất Việt nhớ về ông là bậc đại anh hùng dân tộc, nhân vật toàn tài số 1 của lịch sử Việt Nam. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ mang tầm cỡ kiệt xuất vĩ đại. Năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới. Nhớ công lao của ông, nhiều ngôi trường, con đường trên mọi miền Tổ quốc đã mang tên ông như một điều nhắc nhớ cho thế hệ trẻ hôm nay thêm động lực phấn đấu, trở thành người có ích cho xã hội. Trong bài viết, tác giả giới thiệu con đường mang tên ông thuộc quận Hà Đông.

Một góc đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.

Con đường mang tên Danh nhân văn hóa Thế giới

Đường Nguyễn Trãi nằm phía Tây Bắc phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội. Tuyến đường bắt đầu từ đường Quang Trung, nơi giao thắt ngã tư-đối diện bưu điện Hà Đông, cắt qua đường Bùi Bằng Đoàn tới Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ của quận. Tuyến phố rộng chừng 6m, có chiều dài khoảng 400m.

Đây là tuyến phố thuộc trung tâm quận, nơi đứng chân của Nhà Văn hóa Thiếu nhi, chi nhánh Vinaphone, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (bên phải), Tòa án quận, đồng thời tập trung nhiều cửa hàng thiết yếu của cuộc sống như cửa hàng tranh, đồ thủ công mỹ nghệ, các quầy hàng tạp hóa... nên lúc nào cũng đông đúc.

Nguyễn Trãi-Anh hùng vĩ đại của dân tộc

Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (nay thuộc phường Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương) sau rời về làng Ngọc Ổi (nay thuộc Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Cha là Nguyễn Phi Khanh, học trò nghèo, học giỏi, đỗ Thái học sinh. Mẹ là Trần Thị Thái, con quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi quí tộc.

Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Năm hai mươi tuổi, năm 1.400, ông đỗ Thái học sinh và hai cha con cùng làm quan cho nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh sang nước ta đô hộ, bóc lột người dân thảm khốc. Căm phẫn quân thù, sục sôi tinh thần yêu nước, ông quyết nuôi ý chí cứu nước, cứu dân. Ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Bình Định vương Lê Lợi. Ông trở thành linh hồn của kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV. Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại cáo-bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Đất nước hòa bình, với ước vọng tham gia “Duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở...”, Nguyễn Trãi tiếp tục hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội dưới Triều Lê; có công lớn trong việc tạo ra nền tảng kinh tế-xã hội, sự hòa hợp giữa “nước và dân”-nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời.

Năm 60 tuổi, ông về trí sĩ tại Côn Sơn. Ba năm sau, năm 1442, kì án Lệ chi viên, cả gia đình ông bị hãm hại (tru di tam tộc) khiến cho người đương thời vô cùng thương tiếc. 

Năm 1464, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng quan tước và tìm hỏi con cháu còn sót lại.

Hiền Mĩ
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ