A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ksor H’nao, người làm giàu những giá trị văn hóa Gia-rai

 

QPTĐ-Không chỉ được biết đến là nghệ nhân giỏi tạc tượng dân gian Tây Nguyên, Ksor H’nao còn được biết đến là người am hiểu sâu sắc và tâm huyết với các giá trị văn hóa của người Gia-rai.

 

 

Nghệ nhân Ksor H’nao hoàn thiện bức tượng “Mẹ bồng con”. 

Người thổi hồn vào gỗ


Là người con Gia-rai, ngụ tại làng Kép, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ksor H’nao nổi tiếng cả nước về tài tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên của mình. Ông gắn bó với công việc tạc tượng hoàn toàn từ niềm đam mê tự nhiên của bản thân từ khi còn nhỏ. Bắt đầu từ những bức tượng nhà mồ được các nghệ nhân trong làng tạc trong những dịp chuẩn bị cho lễ bỏ mả, Ksor H’nao đi theo quan sát rồi học cách làm theo. 

 

Sau đó, Ksor H’nao mày mò làm theo từ những khúc gỗ nhỏ và tìm hiểu những kỹ thuật cũng như kỹ năng cơ bản nhất trong cách dùng loại gỗ, cách cầm rìu, rựa, đục. Với khả năng nắm bắt nhanh và đôi bàn tay khéo léo, tượng gỗ của ông ngày càng sinh động và có phong cách riêng. Tượng gỗ của ông làm ra thực sự chinh phục được đôi mắt khắt khe của các nghệ nhân tạc tượng. Ông được bà con tin tưởng giao tạc tượng trong những lễ bỏ mả của gia đình. Tác phẩm tượng của ông mang đậm phong cách dân gian, mộc mạc, gợi tả, gần gũi, dung dị với đời sống. 


Ngoài việc tham gia tạc tượng nhà mồ trong và ngoài làng phục vụ nghi thức bỏ mả, ông còn tham gia các cuộc thi tạc tượng trong và ngoài tỉnh đạt giải cao. Năm 2013, ông được mời tham gia Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hoá Việt Nam”, tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam để giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên, đến du khách trong và ngoài nước.

 

Đặc biệt, trong Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) năm 2015, ông giành giải cao nhất với tác phẩm “Mẹ ôm con” trong cuộc tranh tài cùng 37 nghệ nhân tài giỏi từ khắp các buôn làng Tây Nguyên.


Nghệ nhân đa tài


Với ông, biết gì, hiểu gì về các giá trị văn hóa đặc trưng của người Gia-rai cũng phải tận tường. Ngoài tạc tượng, nghệ nhân Ksor H’nao còn chế tác và diễn tấu thuần thục các loại nhạc cụ bằng tre nứa (Goong, Kơni, đàn T’rưng) và diễn tấu cồng chiêng. Đặc biệt, ông còn là người chỉnh chiêng của làng. Năm 1999, ông được Viện Âm nhạc Việt Nam mời diễn tấu là đàn Goong để ghi băng làm tư liệu giảng dạy và nghiên cứu. Ông đã giúp nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sỹ tìm hiểu các loại hình văn hóa truyền thống dân gian Gia-rai trong đó có nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai hoàn thành chương trình điền dã, sưu tập, ký âm cho các bài hát dân ca Gia-rai.


Tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của người Gia-rai đang dần mai một, ông tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Đặc biệt, ông cũng là nghệ nhân về ẩm thực truyền thống Gia-rai với việc nắm vững và khéo léo trong việc chế biến những món ăn quen thuộc của dân tộc mình. 


Theo Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai: “Không chỉ là nghệ nhân tạc tượng giỏi, Ksor Hnao còn rất tích cực truyền dạy tạc tượng gỗ dân gian. Nghệ nhân đã hỗ trợ rất nhiều trong các hoạt động bảo tồn nghệ thuật dân gian do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức”. Với những đóng góp của mình, năm 2015, ông đã vinh dự được trao tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về loại hình Tri thức dân gian.


Thu Loan

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ