Cuộc hành quân thần tốc
QPTĐ-Sau khi mất Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn cho rằng, do phải để lại nhiều đơn vị giữ các tỉnh mới giải phóng và do đường xa, thiếu phương tiện cơ động, nên ta chỉ có khả năng đưa vào miền Đông Nam bộ nhiều nhất một quân đoàn và muốn đưa lực lượng ấy vào phải mất ít nhất hai tháng.
Hành quân thần tốc vào giải phóng miền Nam.
Ảnh: Tư liệu
Trong khi đó từ Tây Nguyên, ngày 4/4/1975, Quân đoàn 3 được lệnh hành quân vào miền Đông Nam bộ. Sư đoàn 316 và Sở chỉ huy nhẹ của quân đoàn từ thị xã Buôn Ma Thuột, theo Đường 14; Sư đoàn 320A đang ở Tuy Hoà, gấp rút quay lại Tây Nguyên bằng Đường 7, sau đó cũng tiến quân theo Đường 14… Đồng bào các dân tộc ít người vùng căn cứ Bắc Ái tham gia sửa đường, làm ngầm, giúp bộ đội hành quân nhanh chóng. Trên 3.000 chuyến xe của Đoàn 559 và của quân đoàn được huy động vào cuộc hành quân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương nhẹ, bị ốm đang điều trị ở các trạm xá, bệnh viện, nghe tin quân đoàn đi chiến đấu, một mực xin trở về theo đơn vị.
Phát hiện sự di chuyển của Sư đoàn 10 trên Đường 20, địch cho máy bay ném bom ngăn chặn, làm hàng chục xe vận tải của ta bị cháy. Sư đoàn đánh địch, khắc phục hậu quả và mở đường gấp rút hành quân. Ngày 15/4, Sư đoàn 316 và các đơn vị đi đầu của Quân đoàn 3 đến Dầu Tiếng vừa giải phóng, chiếm lĩnh bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Tây-Bắc theo kế hoạch của Bộ chỉ huy mặt trận.
Từ miền Bắc, ngày 31/3, Quân đoàn 1 được lệnh nhanh chóng đưa toàn bộ lực lượng (trừ Sư đoàn 308) vào Đồng Xoài. Lúc này, Sư đoàn 320B và một số đơn vị binh chủng rời vị trí đóng quân từ ngày 19/3 đã đến Đà Nẵng. 11 giờ ngày 1/4, Sư đoàn 312, các đơn vị binh chủng và sở chỉ huy cơ bản của quân đoàn hành quân cơ động bằng 1.053 xe vận tải của Cục Vận tải-Tổng cục Hậu cần, Sư đoàn 571 Đoàn 559 và 893 xe của quân đoàn. Đến Đông Hà, đội hình rẽ sang Đường 9, vượt qua Lao Bảo theo hướng Tây Trường Sơn tiến về phía Nam.
Tháng 4 ở Trường Sơn là cuối mùa khô. Trời nóng, cát bụi ngập một phần bánh xe. Hàng trăm xe nối đuôi nhau đi như trong một dòng sông bụi khổng lồ. Bộ đội ngủ ngay trên xe. Mỗi xe là một phân đội nhỏ, quản lý, giúp nhau về mọi mặt. Khi xe dừng, mỗi xe là một bếp ăn. Khi gặp địch, mỗi xe là một phân đội chiến đấu. Bị tắc đường, bộ đội tự khắc phục để thông đường nhanh nhất. Xe nào hỏng, nhường đường cho xe sau vượt lên. Mỗi xe có hai lái xe thay nhau chạy liên tục từ 18-20 giờ một ngày. Thiếu nước cho xe thiết giáp, cả Lữ đoàn Công binh 209 chịu khát, dồn các bi đông nước của người cho xe.
Ngày 7/4/1975, quân đoàn nhận được điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút; xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh hành quân lập tức được truyền đến từng chiến sĩ. Trên thành xe, trên mũ, trên thân cây dọc đường... được viết thành khẩu hiệu thôi thúc cán bộ, chiến sĩ hành quân thần tốc hơn nữa ra mặt trận. Tốc độ hành quân không ngừng tăng lên, nhiều ngày đạt tới 150km. Và chỉ trong 15 ngày đêm, Quân đoàn 1 với đầy đủ vũ khí, phương tiện chiến đấu đã hoàn thành cuộc hành quân thần tốc đường dài gần 2.000km, chiếm lĩnh địa bàn tiến công Sài Gòn từ hướng Bắc đúng thời gian quy định.
Ngày 1/4, Quân đoàn 2 được lệnh dời thành phố Đà Nẵng, hành quân thần tốc theo Đường số 1 tiến về phía Đông Nam Sài Gòn. Đường số 1 từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc thuận tiện cho cơ giới, nhưng có tới 569 cầu, 588 cống, trong đó có 14 cầu bắc qua sông lớn, nhiều cầu đã bị địch đánh sập. Bộ Tư lệnh quân đoàn chủ trương dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân vùng mới giải phóng, tận thu vũ khí, phương tiện vận chuyển của địch, vừa chiến đấu, vừa hành quân, nhằm bảo đảm tới đích đúng thời gian Bộ quy định và tham gia chiến dịch được ngay.
Các đơn vị pháo bố trí trận địa trên núi cao, quân đoàn quyết định để lại cho địa phương, chuyển sang dùng pháo thu được của địch. Các chiến sĩ lái xe, thợ sửa chữa, tích cực thu hồi, tìm kiếm phụ tùng thay thế và sửa chữa, đưa vào sử dụng 487 xe vận tải và xe kéo pháo. Nhân dân Huế, Đà Nẵng giúp quân đoàn hơn 100 xe vận tải cùng với người lái. Bộ Tổng Tham mưu tăng cường cho Trung đoàn 83 công binh cầu phà để mở đường và một số tàu biển để cơ động bộ đội từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn. Được sự giúp sức của Quân khu 5, Cục Hậu cần quân đoàn sử dụng một tổ đi trước xét nghiệm và thu hồi xăng dầu của địch, phục vụ hành quân.
Ngày 7/4/1975, sau khi để lại Sư đoàn 324 bảo vệ Huế, Đà Nẵng và làm lực lượng dự bị, cánh quân Duyên Hải gồm đại bộ phận lực lượng Quân đoàn 2 được tăng cường Sư đoàn 3, Tiểu đoàn 3 thiết giáp Quân khu 5, hành quân theo đường 1 tiến về phía Nam. Đội hình hành quân kéo dài hàng trăm km gồm 2.276 xe chở bộ đội và chở hàng, 89 xe tăng, thiết giáp, 223 xe kéo pháo.
Phía Tây-Nam Sài gòn, tháng 2/1975, Đoàn 232 được thành lập gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3 bộ binh, các đơn vị binh chủng và được tăng cường thêm Sư đoàn 9 Quân đoàn 4. Đồng chí Lê Đức Anh được cử làm Tư lệnh, đồng chí Lê Văn Tưởng làm Chính uỷ. Giữa tháng 4, Sư đoàn 3 và Sư đoàn 9 đã mở được khu vực An Ninh-Lộc Giang, tạo bàn đạp mới để tiến đánh Sài Gòn.
Như vậy, trước giờ nổ súng Tổng công kích vào thành phố Sài Gòn-Gia Định, các binh đoàn chủ lực của ta đã hành quân thần tốc, tập trung lực lượng, tạo được thế trận bao vây thành phố từ nhiều mặt với bốn quân đoàn, bốn quả đấm cho trận thắng cuối cùng.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hữu