Bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu của Bác!
QPTĐ-Hà Nội vào cuối Đông, mưa phùn gió bấc, lạnh cóng tay chân. Nhiệt độ đêm-ngày ở ngưỡng biên độ 10-15 độ C. Trời âm u, không rõ do sương mù hay ô nhiễm không khí, cả ngày không thấy ánh nắng mặt trời. Đã mấy năm rồi, miền Bắc mới gặp lại chính mình-Mùa Đông giá lạnh. Đã vào trung tuần tháng Chạp. Mùa Xuân đang chầm chậm đến!
Sinh thời, hầu như năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều có thơ chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.
Thủ đô Hà Nội cùng nhân dân cả nước vui mừng đón Xuân Kỷ Hợi 2019. Niềm vui thường song hành với những nỗi lo toan. Vui vì Thủ đô và cả nước vừa đạt được những thành tựu kinh tế-xã hội vượt bậc năm 2018. Vui vì Việt Nam là điểm đến của các chính khách và khách du lịch toàn cầu! Hà Nội-“Thành phố Vì Hòa bình” trong Top đầu 10 Thủ đô, điểm đến của thế giới! Trong niềm vui đón năm mới ngập tràn sắc xuân, trên khuôn mặt rặng rỡ của mỗi người, còn đâu đó hằn sâu nếp nhăn nỗi lo toan để Thủ đô và đất nước yên bình, phát triển?
Thủ đô Hà Nội vừa chứng kiến Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam (1979-2019), Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia xóa sổ chính quyền Khorme Đỏ-Pol Pot diệt chủng, làm hồi sinh đất nước và dân tộc Campuchia. Hội Cựu chiến binh Quân đoàn 14 vừa gặp mặt ôn lại cuộc chiến máu lửa bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979-1989). Thế là, sau 10 năm, 20 năm Bác Hồ ra đi, tiếng súng vẫn rền vang khắp các vùng biên giới Tây Nam và trải rộng khắp các tỉnh biên giới phía Bắc. Và máu của đồng bào, đồng chí chúng ta vẫn đổ!
Hôm nay, đi trên Quảng trường Ba Đình, nhìn dòng người lặng lẽ vào Lăng viếng Bác, ta không khỏi bùi ngùi nhớ Bác-Người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta và Quân đội ta. Thế là, đã 50 năm Bác Hồ đi xa (1969-2019)! 50 năm quân và dân ta không được nghe Thơ chúc Tết của Bác mỗi độ Xuân về!
Năm 1969-Xuân Kỷ Dậu năm ấy, chúng ta còn ghi sâu trong tâm khảm mình giọng đọc ấm áp của Bác Hồ: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc-Nam sum họp Xuân nào vui hơn”. Không ai ngờ, đây lại là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác!
Thơ Xuân Kỷ Dậu, Bác làm theo thể lục bát (mỗi câu 6 chữ và 8 chữ) với 3 câu ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa. Câu mở đầu, Bác đưa ra nhận định khái quát về tình hình chiến sự, chiến công của quân và dân miền Nam, miền Bắc năm 1968 cũng như dự báo chiến thắng đang đến gần trong năm 1969: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”.
Thật vậy, tuân theo lời hiệu triệu của Bác trong Thơ Xuân Mậu Thân 1968: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”, đồng bào và chiến sĩ miền Nam nhất tề Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, giáng đòn chí mạng vào Mỹ-ngụy. Đêm Giao thừa và mồng 1 Tết Mậu Thân (30-31/1/1968), quân và dân miền Nam đã tấn công địch ở 4/6 thành phố, 37/42 thị xã; hàng trăm thị trấn, quận lỵ, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não Trung ương của địch. Trong chiến dịch này, ta đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn tên địch, phá hủy 1/3 số vật tư chiến tranh, phá 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã mới với hơn 1 triệu dân, làm choáng váng cả nước Mỹ, gây chấn động dư luận thế giới.
Trên đà chiến thắng đó, Bác tiên đoán: “Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to” và đưa ra mục đích của cuộc chiến tranh chống Mỹ-Ngụy. Đó là “Vì độc lập, vì tự do” cho đất nước ta, cho dân tộc ta, nhân dân ta. Bác Hồ từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tuột bậc, đó là đất nước ta được độc lập, đồng bào ta được tự do; dân ta, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Vào năm 1968-1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn ác liệt nhất. Bị thua đau ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc, máu của đồng bào ta ở cả hai miền Nam, Bắc vẫn đổ xuống ngày ngày. Lại thêm nỗi đau đất nước bị cắt chia, nguyện vọng cao cả và khát khao của Bác Hồ về một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất càng thêm cháy bỏng. Và mục tiêu của cuộc chiến là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Có người đặt câu hỏi: Tại sao chỉ là “đánh cho Mỹ cút”, “ngụy nhào” mà không phải là “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” như khẩu hiệu của Quân giải phóng miền Nam? Dự đoán thiên tài của Bác Hồ cũng là ở chỗ này đây! Trên chiến trường miền Nam, hiện diện nửa triệu quân Mỹ và chư hầu cùng hơn 1 triệu lính ngụy; chúng sử dụng máy bay, chiến hạm, vũ khí tối tân, phương tiện chiến tranh hiện đại xứng tầm với đội quân nhà nghề Mỹ thì phương pháp “vừa đánh, vừa đàm” là tối ưu, để Mỹ rút quân về nước trên danh dự, sau khi công nhận và tôn trọng chủ quyền độc lập của nước Việt Nam. Mỹ đã cút, tất chính quyền tay sai ngụy sẽ phải bị lật nhào trước bão táp của cách mạng. Lời tiên đoán của Bác đã thành hiện thực. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973 và Cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta toàn thắng, non sông thu về một mối.
Câu kết của bài thơ Tết: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn” như lời hiệu triệu của Bác, của non sông, thôi thúc quân và dân ta tay súng, tay búa, tay cày, hăng hái tham gia kháng chiến. Xuân này, Bác đã dự báo về ngày Nam-Bắc thống nhất, đồng bào ta từ Mục Nam quan đến mũi Cà Mau sum họp một nhà; đó là mùa xuân đẹp nhất của Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam thì chẳng có “Xuân nào vui hơn”!
Thực hiện di huấn của Bác, năm 1975, 6 năm sau ngày Người đi xa, Bắc-Nam đã sum họp một nhà, cả nước cùng chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, “xây dựng nước non to đẹp đàng hoàng”, thỏa lòng mong ước của Người!
Xuân Kỷ Hợi 2019, tròn 50 năm chúng ta đón Thơ Xuân Kỷ Dậu của Bác Hồ, cũng tròn 50 năm quân và dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người (1969-2019). Càng thiêng liêng hơn, trên đồi Đồng Váng (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội) ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu năm ấy, bà con được đón Bác về thăm, hưởng ứng “Tết trồng cây”-Mùa Xuân trồng cây cuối cùng của Bác!
Tháng Chạp năm Mậu Tuất
Trần Ngọc Minh