A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yên Phương vững bước đi lên từ xây dựng nông thôn mới

QPTĐ-Đến Yên Phương hôm nay, vào mỗi thôn, làng mọi người đều cảm nhận được sự đổi thay của một xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đó là 100% đường giao thông của xã được trải thảm nhựa, bê tông hóa và cứng hóa, cùng hệ thống biển chỉ dẫn đồng bộ; 100% trường học có cơ sở vật chất khang trang; 10/10 thôn có nhà văn hoá, khu vui chơi thể thao, tuyến đường hoa, hàng cây xanh, con đường bích họa và những ngôi nhà cao tầng khang trang sạch đẹp, diện mạo nông thôn và đời sống của người dân thay đổi rõ rệt. Một trong những “bí quyết” làm nên thành quả đó là Đảng ủy, UBND xã đã phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Nhờ đó, mà NTM kiểu mẫu đang dần hiện hữu.

Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính.

Yên Phương là một xã thuần nông nằm ở phía Nam của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích đất tự nhiên là 544.75ha, xã chia thành 10 thôn dân cư, dân số 10.641 người. Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, Đảng ủy, HĐND, UBND xã luôn xác định, xây dựng NTM là việc làm xuyên suốt có khởi điểm, nhưng không có kết thúc, xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nên sau khi được huyện Yên Lạc giao cho xã thực hiện xây dựng NTM nâng cao, Đảng ủy xã đã ban hành 16 nghị quyết chuyên đề, 12 chương trình hành động, 38 kế hoạch, 15 kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mục tiêu, tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Đỗ Hoàng Trường, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phương cho biết: “Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền chúng tôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng NTM sâu rộng trong nhân dân, nhất là phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có bước chuyển biến tích cực, đã huy động được sự đóng góp của nhân dân về ngày công lao động, vật tư, hiến đất, tiền để xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất. Để thực hiện thành công xây dựng NTM kiểu mẫu, chúng tôi đã chọn thôn 1 và thôn 8 làm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn xã. Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các thôn tổ chức đăng ký thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy, HĐND, UBND xã thường xuyên, liên tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, làm việc với cơ sở thôn để nắm bắt tiến độ, đưa ra các giải pháp thực hiện các tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế của từng thôn. Sau thời gian triển khai xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, xã đã có 2 thôn được huyện công nhận đạt NTM kiểu mẫu”. 

Cơ sở vật chất trường Tiểu học Yên Phương đạt chuẩn quốc gia.

 

Trường mầm non được xây dựng khang trang.

Được biết “bí quyết” để xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao là do đã thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, trên cơ sở nghị quyết của Đảng uỷ xã, các thôn tổ chức họp triển khai đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mỗi một tiêu chí khi thực hiện đều được cấp ủy, chính quyền xã công khai cho nhân dân được biết, được bàn và quyết định cách thức tiến hành, mức đóng góp, phân công người giám sát và lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, nên việc huy động đóng góp, xây dựng rất thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Yên, Khu 8, xóm Đông cho biết: “Đây là một chủ trương, chính sách rất đúng của Đảng và Nhà nước, mang lại cuộc sống no ấm cho người dân; vậy nên khi xã triển khai thực hiện, gia đình nhà tôi đã ủng hộ 23 khối bê tông để xã làm đường làng, với số tiền trị giá 21 triệu đồng. Còn hàng xóm xung quanh nhà tôi, người thì hiến đất làm đường, người thì ủng tiền cũng rất nhiều”. Chính nhờ sức mạnh “ý Đảng hợp với lòng dân”, mà chỉ sau một năm, Yên Phương đã huy động được 128.217 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó vốn ngân sách xã là hơn 5.447 triệu đồng. Đồng thời xã đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng tỷ lệ cây thương phẩm thế chân trên đất lúa kém hiệu quả. Thúc đẩy thương mại dịch vụ vốn là thế mạnh của xã như làng nghề mộc Lũng Hạ; chợ truyền thống, khu thương mại Phương Trù; triển khai thực hiện chương trình tích tụ ruộng đất hình thành các vùng sản xuất tập trung để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Khách hàng mua sản phẩm nghề mộc truyền thống Lũng Hạ.

Bên cạnh đó, xã đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp, như xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở thôn Yên Thư, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất lúa gạo, như: Hà Phát 3; Sén Cù; ADI28; Quế Lâm; TBR225. Trong lĩnh vực chăn nuôi, quy mô cũng như hình thức chăn nuôi được phát triển theo hướng bán công nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã luôn duy trì trên 10.000 nghìn con. Đồng thời tận dụng tối đa diện tích mặt nước ao, hồ để khai thác nuôi trồng thủy sản, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật đưa giống cá mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào chăn nuôi, nhờ đó năng xuất thủy sản đạt 41 tạ/ha. Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại có bước phát triển nhanh và bền vững. Hiện tại, xã có 54 hộ đang tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa; 150 cơ sở và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề, như: Mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng nấm rơm... Trong đó, riêng nghề mộc truyền thống Lũng Hạ có 175 hộ làm nghề, tạo việc làm thường xuyên cho 532 lao động, thu nhập bình quân từ 5,6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng năm 2023, xã đã huy động nguồn lực tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, với số tiền đầu tư 125 tỷ đồng để nâng cấp, thảm nhựa 10.64km đường giao thông nông thôn và 4.5km đường giao thông nội đồng giá trị 62.408 tỷ đồng; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí tổng giá trị 16.234 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trường học 21.373 tỷ đồng, y tế 9.993 tỷ đồng, văn hóa 14.448 tỷ đồng. Công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân luôn được chú trọng, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 2.4%, thì đến năm 2023 giảm xuống còn 0.76%, thu nhập bình quân đầu người tăng 68.68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế bình quân đạt 95.04%; tỷ lệ hộ được sử dụng hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có 100% số hộ được sử dụng nước sạch, điện sinh hoạt ổn định; 100% hộ dân của xã có nhà ở kiên cố, đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng bảo đảm các yêu cầu 3 cứng (nền, khung, mái cứng), diện tích nhà ở đạt 14 m2/người trở lên.

Mô hình điển hình về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu dân cư.

Đây chính là kết quả từ phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM, nên hầu hết các chỉ tiêu của xã đều đạt và vượt cao so với kế hoạch đề ra. Đồng chí Tạ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Yên Phương cho biết: “Trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành toàn diện 19/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao; kinh tế, xã hội có bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tổng giá trị sản xuất của xã năm 2023 đạt 782.0 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch, tăng 7.14% so với cùng kỳ. Cụ thể: Sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 119.0 tỷ đồng, bằng 101.9% kế hoạch, tăng 1.97% so với cùng kỳ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 431.0 tỷ đồng, tăng 8.43%; thương mại, dịch vụ đạt 232.0 tỷ đồng, tăng 7.56%. Vật chất cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, giáo dục, y tế xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Yên Phương ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân”.

Những bức tranh bích hoạ tô điểm cho cảnh sắc nông thôn đổi mới.

Cùng với phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội cũng được bảo đảm tốt, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, công tác đảm bảo quốc phòng và an ninh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Để tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, đồng chí Đỗ Hoàng Trường, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trên những thành tích, kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ, nhân dân xã tiếp tục giữ vững và củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển các tiêu chí NTM kiểu mẫu của xã ngày càng bền vững hơn”.

Chia tay Yên Phương khi Xuân mới đang về trên khắp mọi miền của Tổ quốc, nhìn bà con nhân dân ai nấy đều rạng ngời, vui tươi đi trên con đường rộng thênh thang sạch đẹp, với những hàng cây xanh, tường rào bích họa để mua sắm tết, giống như bức tranh sơn thủy hữu tình, toát lên vẻ đẹp cuộc sống ấm no, thanh bình của làng quê đổi mới.

Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ