A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam-Khởi nguồn và động lực phát triển”

QPTĐ-Sáng 27-2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương tới các đầu cầu trong cả nước.

Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Về phía thành phố Hà Nội, dự Hội thảo có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo các sở, ngành Thành phố.

Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; các cơ quan báo chí, truyền thông.

Hội thảo tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và Văn hóa, con người Việt Nam-Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định giá trị cốt lõi của nền tảng lý luận của Đề cương văn hóa Việt Nam. Đề cương ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc... Từ chỗ chỉ tập trung vào phạm vi ba lĩnh vực trọng yếu của văn hóa nước nhà mà bản Đề cương nêu ra là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, chúng ta đã đặt ra yêu cầu mới về xây dựng đồng bộ và toàn diện các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa, các thành tố, các lĩnh vực văn hóa, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến môi trường và đời sống văn hóa… Từ yêu cầu thực hiện ba nguyên tắc "dân tộc hóa"; "đại chúng hóa"; "khoa học hóa" trong cuộc vận động văn hoá thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ðảng ta đã bổ sung, phát triển thành những thuộc tính “nhân dân”, “nhân văn” và “dân chủ” của nền văn hóa, góp phần xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ lớn, phức tạp trong thực tiễn phát triển văn hóa, con người hôm nay.

Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, các tác giả tham luận có đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi của một văn kiện có ý nghĩa lịch sử- Đề cương về văn hóa Việt Nam; nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây đựng đất nước; tổng kết những thành tựu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Ngân Mỹ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ