A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành cùng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19

 

QPTĐ-Tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV cho thấy: Quốc hội và cá nhân mỗi đại biểu Quốc hội, cả hệ thống chính trị luôn sẵn sàng đồng hành cùng với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung và đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Các đại biểu dự phiên thảo luận kinh tế-xã hội và phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Internet)

Tạo cơ sở pháp lý phòng, chống dịch

Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), kết quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của đồng bào cả nước mỗi khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chứng minh mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là đúng đắn và đang đi đúng hướng với phương châm sức khỏe, tính mạng con người là trên hết.
Cho rằng, dù các chỉ thị, nghị quyết đã có hiệu lực, phát huy tác dụng ngay lập tức nhưng đây mới dừng lại ở biện pháp ngắn hạn và nằm ở nhiều văn bản rải rác, chưa có hệ thống, chưa ổn định và có sức sống lâu dài, đại biểu đề nghị cần thiết phải ghi vào nghị quyết kỳ họp nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Tờ trình của Chính phủ để luật hóa việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch...

Tán thành việc Quốc hội kịp thời đưa vào Nghị quyết của kỳ họp nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trong thời gian vừa qua để nhìn nhận, đánh giá toàn diện, làm tiền đề ban hành chính sách, chỉ thị mới trong phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, tăng cường nguồn cung cấp vaccine, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho người dân, giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong…

Cũng về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bày tỏ tán thành với việc Quốc hội thể hiện sự đồng hành với Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, về hình thức văn bản, đại biểu đề nghị không nên đưa nội dung phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của Kỳ họp mà cần có Nghị quyết chuyên đề riêng về phòng, chống dịch Covid-19 để thuận lợi cho việc viện dẫn, áp dụng vì nhiều vấn đề liên quan đến luật chưa thể sửa đổi, bổ sung. Theo đại biểu, trong khi độ trễ của việc thực hiện các quy định của pháp luật thường kéo dài thì việc ra một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội là cần thiết, để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, tập trung xử lý các tình huống khẩn cấp.

Chống dịch là nhiệm vụ cấp bách

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ: Về mặt nhận thức, dịch Covid-19 không thể nhanh chóng đẩy lùi và còn rất gian nan, vất vả, tốn kém. Nhưng dù ở kịch bản nào cũng cần tập trung chống dịch, khó khăn mấy cũng phải chống dịch vì tính mạng nhân dân là trước hết và trên hết. Bên cạnh đó, phải quyết liệt, kiên định thực hiện mục tiêu kép. Trong chống dịch, sự linh hoạt là rất quan trọng. Nếu cách ly tại nhà thì phải thực hiện cho thật đúng và thật tốt các quy định về cách ly như quy định về tiếp xúc, khám, xét nghiệm phải có đội ngũ y tế, dân phòng, công an phối hợp để gia đình triển khai nghiêm các quy định cách ly tại nhà. Cần áp dụng mạnh mẽ việc khám chữa bệnh từ xa và phát triển kinh tế trong mùa dịch, đồng thời kiên định với biện pháp 5k trong thời gian dài. 5k và tiêm vaccine là hai việc cần thực hiện đồng thời, thường xuyên và liên tục, việc này không thay được việc kia mà phối hợp với việc kia chống và phòng, chống Covid-19 trước mắt và lâu dài.

Phát biểu tại nghị trường, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) bày tỏ tán thành với báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách của Chính phủ, trong đó có nhiều thành tích đạt được rất đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.  Cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia cùng cả nước phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đẩy mạnh công tác từ thiện, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia quyên góp nguồn lực đóng góp cho phòng chống dịch. Đáng chú ý, ngày 19/7, Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội ban hành văn bản kêu gọi tăng ni, Phật tử thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng chống dịch. 

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cũng bày tỏ đánh giá cao kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện “mục tiêu kép”, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, do đó đại biểu cho rằng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa. Tôi cho rằng việc Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết”, đại biểu Giang đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) chia sẻ, chưa bao giờ Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bị “thương tổn” như trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước là có hạn. Tình hình sản xuất trong tâm dịch vô cùng khó khăn. Phải đảm bảo “mục tiêu kép”; sản xuất trong các khu công nghiệp cũng cần sự liên kết; trung chuyển giữa nơi này đến nơi khác vẫn phải duy trì, không để đứt gãy nền kinh tế.

Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc” tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao, việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là việc làm rất cần thiết. Đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa để đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt.

P.Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ