A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng mãi vinh quang, trường tồn cùng dân tộc

QPTĐ- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam-Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Bối cảnh lịch sử ra đời 
Nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ Bộ Bắc kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 1/1/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung kỳ. Tuy nhiên ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Trách nhiệm lịch sử lúc này là phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam. Nên từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình, “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức Cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chính cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng 9/1960 đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 hàng năm làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tỏ rõ tính cách mạng tiên phong 
Trải qua 93 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. 15 năm sau khi thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Khi Mỹ đưa quân vào xâm lược, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân hai miền Nam-Bắc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng XHCN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Đảng ta đã chủ động khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986. 

Những thành tựu to lớn trong 37 năm đổi mới trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, quan hệ quốc tế... đã khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá, bị bao vây, cấm vận kinh tế, lại phải chịu nhiều tổn thất do thiên tai gây ra, Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động không ngừng được cải thiện; chính trị ổn định; lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, Việt Nam đã có quan hệ với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên đến Đại hội lần thứ XIII (2021) Đảng ta có hơn 5 triệu đảng viên. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước. Nhiều đảng viên đã để lại tấm gương tốt thể hiện tinh thần tiên phong và tính gương mẫu.

Từ thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta có thể khẳng định một cách có cơ sở rằng, được trang bị bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin và đi theo, Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam không chỉ thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mà cả trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Văn Tuân
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ