A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Sóng và máy tính cho em”

 

QPTĐ-Năm học 2021-2022, cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp, thuộc 26/63 tỉnh, thành trong cả nước đang triển khai học trực tuyến, nhưng lại có đến 1,5 triệu em  chưa có máy tính để học, nhiều địa phương trong “vùng lõm” thậm chí còn không có sóng để học tập. Có em ở vùng cao còn phải lên núi, dựng chòi để đón sóng học tập. 

Quang cảnh Lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ

 

Một tin vui đến với hàng triệu học sinh khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn (đặc biệt là những em ở vùng dịch) có điều kiện học tập trực tuyến tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, chương trình còn đóng vai trò thúc đẩy phát triển xã hội số. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ được Bộ TT&TT cùng Bộ GD&ĐT phối hợp triển khai, thực hiện. 

Các nội dung chính của chương trình bao gồm việc triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến, vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và triển khai học trực tuyến. Mặt khác, chương trình còn phát động việc tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Ba cấu phần chính của “Sóng và máy tính cho em” là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam và có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo. Để khắc phục việc thiếu thiết bị máy tính còn có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, nhưng để khắc phục những “vùng lõm” sóng là cả một vấn đề về chiến lược. Theo Bộ TT&TT, Việt Nam hiện còn đến 2.000 điểm lõm sóng. Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng khắc phục các điểm lõm sóng Internet tại những địa phương giãn cách xã hội ngay trong tháng 9 và xa hơn nữa là không còn điểm lõm sóng trên toàn quốc sau năm 2021 và để hỗ trợ cho các học sinh nghèo, khó khăn, các nhà mạng đã thống nhất miễn phí cước viễn thông di động học trực tuyến cho các máy tính thuộc chương trình. Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cam kết sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm ngay trong tháng 9/2021, với 1.500 trạm phát sóng được dựng thêm, 5.000 giải pháp nhằm nâng cấp dung lượng cho mạng lưới sẽ được thực hiện. Viettel sẽ gửi tặng 37.000 máy tính bảng đến những học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc, món quà của 37.000 cán bộ, công nhân viên tập đoàn trao tặng. Nhà mạng MobiFone đã gấp rút lắp đặt bổ sung các trạm phát sóng, tăng công suất trạm để tăng cường vùng phủ trạm 4G. Theo Tập đoàn VNPT, đơn vị sẽ tham gia hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những đối tượng này sẽ được miễn phí 4GB data/ngày trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến…

Phát biểu tại lễ phát động Chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, “Sóng và máy tính” là phương thức học tập mới mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận kiến thức, vì thế chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Chương trình còn góp phần đưa tới cuộc sống Internet nhằm ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, nhất là phát triển xã hội số.

Trước mắt, Chương trình “Sóng và máy tính cho em là một sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, là “cứu cánh” cho những gia đình, học sinh khó khăn được tiếp cận với hình thức học trực tuyến, nếu không các em sẽ rất thiệt thòi

PV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ