A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Món nợ” với dân

 

Hiện nay nước ta có hơn 8 triệu người có công với cách mạng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn một số nhỏ chưa được hưởng đầy đủ các chính sách như mong muốn của Đảng, Nhà nước. Trong việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động hằng năm, làm sao để hài hòa lợi ích của cả hai bên (giới chủ và người lao động), qua đó tạo sự ổn định, phát triển bền vững... là vấn đề luôn được đặt ra. Trong lĩnh vực giải quyết việc làm, còn rất nhiều lao động có trình độ cao song lại thất nghiệp. Đó là hệ lụy rất lớn từ việc đào tạo không gắn với nhu cầu việc làm và thị trường lao động. Xóa đói giảm nghèo là thành tựu rất lớn của Việt Nam trong những năm qua, nước ta đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs). Tuy nhiên, công cuộc đó vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Cuộc chiến chống đói nghèo còn gian nan, ngày càng khó khăn hơn vì có tới 76% hộ nghèo là nghèo về thu nhập. Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập giữa đồng bào miền núi, vùng cao với miền xuôi ngày càng giãn ra. Lõi nghèo vẫn tập trung khu vực đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên...

 

 

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.

 

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, những việc kể trên là “món nợ” với nhân dân.

Để giải quyết tình trạng này, trong lĩnh vực lao động, cần tìm kiếm thị trường lao động, tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo và dạy nghề; dự báo nhu cầu việc làm. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP, trong đó  thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời, Chính phủ thống nhất giảm dần sự can thiệp của các Bộ, Ủy ban nhân dân các địa phương vào các cơ sở dạy nghề, từng bước đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, như: Quy hoạch phát triển mạng lưới; đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đổi mới chương trình giảng dạy gồm việc học liên thông trong các cơ sở giáo dục nghề, phân luồng học sinh học nghề tới năm 2020, liên kết giáo dục nghề với doanh nghiệp, dự báo thị trường lao động… Đề án còn hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để sau khi học xong, người học không chỉ có việc làm mà còn có thu nhập cao; giúp những người có đủ điều kiện, có nhu cầu học lên cao, được tiếp tục theo học bằng hình thức liên thông. Xu hướng phát triển mạng lưới dạy nghề là giảm tải, giảm thành lập mới trường công lập, khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư phát triển dạy nghề, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở mọi khâu đào tạo...

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được xây dựng theo hướng tích hợp hệ thống, tăng cường chính sách cho vay hỗ trợ có điều kiện để các hộ nghèo phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

 

Thực tiễn giai đoạn vừa qua cho thấy, việc triển khai xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện nhiều kinh nghiệm tốt, nhưng cũng nảy sinh một số tồn tại hạn chế. Muốn đồng bào miền núi thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, phải tạo ra mô hình trồng trọt, chăn nuôi cụ thể, có người thực hiện trước để họ xem, thành công rồi mới học theo; đó là phương thức “cầm tay chỉ việc.” Việc tìm và tạo ra mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tới.

Các cấp, các ngành phải bắt tay vào làm ngay, không chậm trễ, tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc... Đó chính là cách tốt nhất để hóa giải các “món nợ” với dân.

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ