A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Covid-19 “đốt nóng” quan hệ Mỹ-Trung?

 

QPTĐ-Phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng về đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Tổng thống D.Trump nói: “Đây là điều tồi tệ hơn trận Trân Châu Cảng. Điều này còn tồi tệ hơn Trung tâm Thương mại Thế giới. Và điều đó đáng lẽ không bao giờ xảy ra”. Ngoại trưởng Mỹ P.Pompeo cũng cho rằng: “Họ biết. Trung Quốc lẽ ra đã có thể ngăn được hàng trăm nghìn người chết trên toàn thế giới. Trung Quốc lẽ ra đã có thể ngăn kinh tế thế giới rơi vào bất ổn. Nhưng Trung Quốc vẫn từ chối chia sẻ thông tin mà chúng ta cần để giúp mọi người được an toàn”. “Có bằng chứng lớn để tin rằng, virus này bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm”-Ông M.Pompeo khẳng định. 

 

 

Mỹ và Trung Quốc đẩy căng thẳng lên một nấc thang mới vì dịch Covid-19.
Ảnh minh họa: Reuters


Tuyên bố của Ông chủ Nhà Trắng gợi nhớ đến sự kiện năm 1941, Quốc hội Mỹ tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản. Đó là cuộc tấn công bất ngờ của không quân và hải quân Nhật (sáng ngày 7/12/1941) vào căn cứ Trân Châu Cảng, Hawaii đánh chìm 4 tàu khu trục, tàu sân bay; phá hủy 190 phi cơ, hơn 2.000 lính Mỹ thiệt mạng, 1.200 binh sĩ bị thương. Tổng thống Mỹ đương nhiệm F.D.Roosevelt gọi, đây là “ngày sẽ sống mãi trong nỗi ô nhục”. Và nước Mỹ chính thức tham gia Thế chiến II. Ngày 11/12/1945, Đức và Italy cũng tuyên chiến với Mỹ. 


Vụ phiến quân cướp 4 máy bay vận tải Boeing, ngày 11/9/2001, 2 chiếc tấn công Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, 2 chiếc khác hướng tới mục tiêu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, khiến 3.000 người thiệt mạng-“Nước Mỹ bị tấn công!” Tổng thống G.W.Buhs phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đưa quân đến chinh phạt nhiều nước như Afghanistan, Iraq, Libya, Syria; kéo dài suốt 2 thập kỷ qua. 


Vào thời điểm này, khi châu Âu và thế giới đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến II (1945-2020)-cuộc chiến gây bao đau thương tang tóc cho nhân loại mà Tổng thống D.Trump so sánh hậu quả Covid-19 “có nguồn gốc virus gây Covid-19 từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc” như trận Trân Châu Cảng và Tòa tháp đôi, hẳn có chủ ý? Phải chăng, Mỹ quy kết Trung Quốc phải có trách nhiệm với thế giới về nạn dịch Covid-19?


 Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 12/2019 rồi lan rộng toàn cầu, trở thành đại dịch ở hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến ngày 18/9, thế giới có gần 4,8 triệu người nhiễm bệnh, hơn 316.000 người tử vong; đứng đầu là Mỹ hơn 1,5 triệu ca nhiễm, 91.000 người tử vong. Tiếp đến là Tây Ban Nha, Anh, Italy, Pháp, Đức có số ca nhiễm từ 280.000 đến 180.000 người; số ca tử vong cao có Anh, Tây Ban Nha, Italy, Pháp: 35.000 đến 28.000 người. Trung Quốc không chế được dịch, có 83.000 ca nhiễm, 4.633 người tử vong? Nga có số ca nhiễm cao 281.750 nhưng chỉ có 2.630 người chết. Hiện, số ca nhiễm bệnh toàn cầu vẫn tăng, khoảng 30.000-42.000/ngày và 2.000-4.000 người tử vong/ngày. Mỹ dự báo, dịch bệnh có thể kéo dài đến tháng 9. 


Đại dịch Covid-19 gây thảm họa kinh tế toàn cầu khiến các nước phải đóng cửa biên giới, hủy diệt các cơ hội kinh doanh du lịch, hàng không và dịch vụ. Các nước Á-Âu-Phi-Mỹ tuyên bố cách ly nghiêm ngặt. Ba, bốn tháng qua, nền kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái đóng băng, hàng trăm triệu người thất nghiệp. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, kinh tế thế giới bị thiệt hại 5.800-8.800 tỉ USD, tương đương 6,4-9,7% GDP toàn cầu do Covid-19? 


Phát biểu với báo giới (14/5), Tổng thống D.Trump tuyên bố cứng rắn: “Chúng ta có thể cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với Trung Quốc. Bây giờ, nếu làm chuyện này, điều gì sẽ xảy ra? Sẽ tiết kiệm được 500 tỉ USD nếu cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ!” Những lợi ích mà thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung không thể bù đắp được tổn thất “dịch bệnh đến từ Trung Quốc”? “Làm ăn với Trung Quốc rất tốn kém. Dù 100 thỏa thuận thương mại cũng không bù đắp nổi thiệt hại và người chết oan”. Tổng thống Mỹ gọi virus CoV-2 là “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc”. 


Trong tuần qua, Cục FDA Mỹ đã rút giấy phép xuất khẩu đối với 72 công ty sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc (từ 86 xuống còn 14) vì các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Nhiều nước siết chặt kiểm soát, hủy đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Riêng khẩu trang, Canada hủy 1 triệu loại KN.95, Tây Ban Nha 0,5 triệu loại FFP.2, Hà Lan 0,6 triệu, Phần Lan 2 triệu, bang Illinois (Mỹ) hơn 1 triệu. Cuối tháng 4, Trung Quốc bị hủy, trả lại 89 triệu khẩu trang, 418.000 quần áo bảo hộ y tế không đạt chuẩn. Mỹ cho rằng, Bắc Kinh cố tình che giấu dịch Covid-19 để đầu cơ, kinh doanh thiết bị y tế? 


Thượng Nghị sĩ Mỹ T.Cotton và M.Rubio đề xuất, đổi tên con đường “International Place” thành “đường Lý Văn Lượng”? Bởi bác sĩ họ Lý (ở Vũ Hán, Hồ Bắc) có công đầu phát hiện virus Corona từ tháng 12/2019 nhưng không được Trung Quốc ghi nhận và đã chết oan uổng (2/2020) bởi Covid-19?


Không hoàn toàn ủng hộ Ông chủ Nhà Trắng, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc và quy mô của Covid-19 và sẽ đưa ra một dự thảo nghị quyết kêu gọi “điều tra độc lập” về virus Covid-19 tại Hội nghị Đại hội đồng Y tế thế giới (WHO, họp trực tuyến ngày 18/5). Thủ tướng Australia S.Morrison gửi thư đến lãnh đạo các nước G-20 kêu gọi “đánh giá xác đáng” nguồn gốc của Covid-19 mặc dù chuyên gia WHO cho rằng, virus Covid-19 có nguồn gốc từ tự nhiên. 


Trước đại dịch Covid-19 bùng phát và cáo buộc của Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc thừa nhận, quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ nay. Bắc Kinh phải đối đầu với làn sóng thù địch, chống Trung Quốc gia tăng trên thế giới, cao nhất trong ba thập kỷ qua do Mỹ cầm đầu. Trung Quốc phủ quyết cáo buộc của Mỹ về nguồn gốc Covid-19 và tuyên bố, không có ý định che giấu dịch, ủng hộ WHO điều tra nguồn gốc CoV-2 và phản đối việc “chính trị hóa” dịch Covid-19.


                          NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ