A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu lo ngại làn sóng di cư từ Trung Đông?

 

QPTĐ-Tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan tuyên bố, mở cửa biên giới cho người di cư tự do tràn vào châu Âu. Trên biên giới Thổ, qua thị trấn Edirne (3/3), hơn 47.000 người được tụ tập, chỉ chờ vượt sang Hy Lạp, Bulgaria. Trước đó (từ đêm 1/3), hơn 76.000 người tụ tập ở biên giới Thổ chờ thời tràn vào châu Âu-Bộ trưởng Nội vụ Thổ S.Soilu cho biết. Hiện, Thổ đang chứa 3,6 triệu người di cư Trung Đông, chủ yếu đến từ Syria, Iraq, Libya do xung đột, nội chiến; kỳ vọng cơ hội đổi đời ở châu Âu. 

 

 

Người tị nạn ở châu Âu.

Ảnh: AFP


Trước đó (năm 2015), Liên minh châu Âu (EU) và Thổ đạt được thỏa thuận hạn chế người di cư tự do. Thổ dựng các trại tị nạn và kiểm soát biên giới, không cho dòng người di cư từ Trung Đông tràn sang Lục địa già. Đổi lại, EU cung cấp gói tài chính 6 tỉ Euro hỗ trợ Thổ. Thực hiện cam kết, EU cảnh báo, Thổ luôn kiếm cớ “vòi thêm tiền” châu Âu. Trong khi Thổ tố, EU chậm giải ngân và con số 6 tỉ Euro “chỉ như muối bỏ biển”? Nhưng nguyên nhân chính lại xuất phát từ mối quan hệ Nga-Thổ. Ankara đưa con bài “người di cư” ra mặc cả với châu Âu, hòng lợi dụng EU kiềm chế hoạt động quân sự của Nga ở Syria? 


Ngày 5/5 vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin tiếp Tổng thống Thổ T.Erdogan tại Điện Kremlin. Hai vị Tổng thống dành 6 giờ thảo luận về cuộc chiến ở Idlib (Syria), giảm nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa quân đội hai nước. Hai bên đạt được một lệnh ngừng bắn; các bên “đóng băng” các tiền tuyến, tiến hành tuần tra chung. Quân đội Syria (SAA) ngừng bắn và không tiến sâu vào Idlib-“thành trì” của phiến quân. 


Trước đó, dịp cuối tháng 2, Tổng thống Thổ kêu gọi Nga đứng sang một bên để Ankara đối mặt tay đôi với SAA. Ở chiều ngược lại, Điện Kremlin cáo buộc Ankara vi phạm các thỏa thuận Sochi (9/2018 và 10/2019) khi không giải giáp được các nhóm vũ trang (HTS, al-Qaeda); đồng thời, cáo buộc Thổ đưa quân đội bất hợp pháp vào những vị trí do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria. 


Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Thổ lần này không đạt được những kỳ vọng của Tổng thống T.Erdogan, trong khi quan hệ Moskva-Ankara đang xấu đi. Dường như hai bên cũng không ngại ngần bóc đi lớp son phấn ngụy trang cho mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” lâu nay ở Syria? Gần đây nhất, Ankara quy trách nhiệm cho chính quyền Damas, được Moskva hậu thuẫn, tấn công lựu pháo khiến 35 binh sĩ Thổ thiệt mạng ở Idlib (27/2). Thổ đáp trả, 74 binh sĩ SAA thiệt mạng. Căng thẳng Thổ-Syria, Thổ-Nga được đẩy đến điểm đỉnh! 


Idlib có hơn 3 triệu dân, là “thủ phủ” của quân nổi dậy chống Chính phủ của Tổng thống B.al-Assad (thân Nga) đứng đầu. Theo giới tình báo quân sự Mỹ, đã có 20-30 ngàn tay súng thánh chiến về đây dưới danh nghĩa Lực lượng Dân chủ ôn hòa Syria (SDF). Thực chất, tổ chức này do Mỹ nhào nặn ra bao gồm các phe phái chống đối Chính phủ như tổ chức người Kurd (YPG), Hồi giáo IS, Mặt trận al-Nusra, HTS-chi nhánh của khủng bố quốc tế al-Qadea và Quân đội Syria Tự do (FSA) được Thổ hậu thuẫn. 


Sau khi Mỹ tuyên bố hoàn thành việc chống khủng bố và rút quân khỏi Syria (10/2019), Thổ liên tiếp mở các chiến dịch: “Mùa Xuân hòa bình”, “Lá chắn mùa Xuân Idlib”, đưa 20 ngàn binh sĩ và vũ khí hạng nặng vào Syria hòng lập một vùng đệm an toàn khu vực biên giới Thổ-Syria.


Tại Idlib, Thổ lập 12 trạm quan sát với mục đích tước vũ khí, khí tài của phiến quân nhưng thực chất, được quân nổi dậy sử dụng làm căn cứ chống phá quân Chính phủ. Damas và Moskva không dưới một lần tố cáo chính sách “hai mặt” của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. 


Chiến sự trong mấy tuần qua khiến 58 binh sĩ Thổ thiệt mạng, 3 máy bay không người lại bị bắn rơi, hàng chục xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy. Bộ Quốc phòng Thổ đưa tin, đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.200 binh sĩ Syria; 103 xe tăng, 3 chiến đấu cơ, 8 trực thăng và 1 UAV bị bắn cháy; sân bay Kuweires, Nayrab ở ngoại ô Aleppo bị phá hủy nặng. 


Ankara kêu gọi Mỹ hỗ trợ tên lửa Patriot để đối phó với máy bay Nga, Syria nhưng Mỹ vẫn chưa có câu trả lời. Thổ kỳ vọng kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO “một thành viên NATO bị tấn công coi như tấn công cả khối” nhưng NATO chẳng dại gì lại gây chiến với Nga? Vậy là Thổ một mình đơn độc chống lại liên quân Nga-Iran-Syria ở Idlib? 


Căng thẳng ở “thành trì” Idlib, Nga điều 2 tàu hộ vệ Đô đốc Makarov và Đô đốc Grigorovich thuộc Hạm đội Biển Đen, từ cảng Sevastopol ở Crimea đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles tiến về hội quân tại Địa Trung Hải.  Hai tàu chiến này cùng tàu Đô đốc Essen và nhóm tàu ngầm mang theo hàng trăm tên lửa hành trình Kalibr đã từng tấn công xa 2.500km tiêu diệt phiến quân ở Syria, nhằm răn đe đối thủ. 


Phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Nga V.Nebenzya tuyên bố: Quân đội Syria có mọi quyền loại bỏ các phần tử khủng bố ở Idlib và bất cứ nơi nào thuộc lãnh thổ Syria. Đại sứ Syria ở LHQ B.al-Jaafari tố cáo Thổ gây hấn ở Syria. “Ankara đang sử dụng các chốt quan sát để hỗ trợ cho lực lượng khủng bố”. Trước đó, năm 2014, LHQ đưa nhóm al-Qadea, Hồi giáo IS, al-Nusra vào danh sách khủng bố quốc tế. Nga, Syria đang khai thác phát ngôn của Lầu Năm Góc “ở Idlib có khoảng 30 ngàn tay súng khủng bố” để tiêu diệt phiến quân. 


Dịp đầu tháng 3, EU tiến cử Đức, Pháp đàm phán với Nga, Thổ về người di cư. Một hội nghị thượng đỉnh dự kiến họp ở Ankara nhưng đến phút chót, Thủ tướng Đức A.Markel và Tổng thống Pháp E.Macron chủ động đến Moskva đàm phán với Tổng thống V.Putin, không có mặt Tổng thống T.Erdogan. 


Tuần qua, trong chuyến thăm, hội đàm với người đồng cấp Phần Lan P.Haaviso, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho rằng, NATO bỏ qua các đề xuất của Nga về xây dựng an ninh và tin cậy lẫn nhau giữa Nga-NATO. Số đông các nước NATO là thành viên EU dường như đang đơn độc đối phó với dòng người tị nạn-“sản phẩm” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây sức ép lên châu Âu qua sự kiện Idlib. 


                                       NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ