A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xung đột Trung Đông, dầu sụt giá, ai hưởng lợi?

 

Hòa bình ở Syria đang nhen nhóm hy vọng, sau khi Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry và Ngoại trưởng Nga S.Lavrov đạt được thỏa thuận kêu gọi quân Chính phủ và các lực lượng nổi dậy ngừng bắn từ 17-2. Lực lượng Hồi giáo IS và Mặt trận Al-Nusra bị Liên hiệp  quốc (LHQ) liệt vào danh sách khủng bố, không áp dụng trong thỏa thuận này. Đây được xem là thắng lợi bước đầu, kết quả của Hội nghị Geneva-3 về tiến trình hòa bình cho Syria được LHQ bảo trợ, chấm dứt cuộc chiến hơn 4 năm qua, tiến tới tổng tuyển cử, chuyển giao quyền lực. Trước mắt, quân đội Chính phủ và các lực lượng nổi dậy tạm thời ngừng bắn trong vòng 2-3 tuần để hỗ trợ nhân đạo cho hàng vạn người dân các khu vực xảy ra chiến sự bị bao vây đang lâm vào cảnh thiếu lương thực, thuốc men.

 

 

Cuộc chiến ở Syria không biết bao giờ kết thúc.  Ảnh Internet

 

Giới phân tích chính trị cho rằng, thỏa thuận hòa bình do Nga, Mỹ đề xuất buộc Tổng thống B.al-Assad và các phe nhóm nổi dậy phải tuân thủ nhưng thiếu cơ sở giữ được lâu dài. Ít nhất 2 tổ chức khủng bố là Nhà nước Hồi giáo IS, Mặt trận Al-Nusra- chi nhánh của khủng bố quốc tế Al-Qaeda với vài chục ngàn tay súng thiện chiến đang bị loại khỏi vòng đàm phán hòa bình. Phiến quân IS có tổ chức chặt chẽ, hoạt động mạnh ở Iraq, Syria, đang phát triển lực lượng, xây dựng căn cứ sang Libya, bắt tay với khủng bố Taliban ở Afghanistan, Boko Haram ở Nigeria. Hàng trăm phe đảng ở Syria nổi lên chiếm cứ đất đai, kêu gọi viện trợ nước ngoài, vũ trang xây dựng lực lượng.

 

Ở Syria, Iraq đang có 3 liên minh quốc tế chống phiến quân IS. Một liên minh hơn 60 quốc gia do Mỹ cầm đầu hình thành từ giữa năm 2014 không kích IS ở Iraq, từ cuối năm 2015 tham gia không kích một số mục tiêu ở Syria. Một liên minh do Nga dẫn đầu với sự tham gia của quân đội Chính phủ Syria, Vệ binh Hồi giáo Iraq, Hezbollad- Liban, Dân quân người Kurd và hợp tác của Iran. Một liên minh 34 nước Hồi giáo dòng Sunni do Arab Saudi cầm đầu đóng trụ sở tại thủ đô Riyadh, tham chiến tại Iraq, chống quân Houthi tại Yemen, tuyên bố sẵn sàng đổ 100 ngàn liên quân vào Syria, nếu Mỹ đồng ý. Xem ra thì thấy, chưa bao giờ trên sa bàn cuộc chiến ở Trung Đông lại đa dạng, phức tạp đến thế!

 

Trên chiến trường Syria, các phe nổi dậy cũng được đa quốc gia giúp đỡ vũ khí, tiền của, hậu cần, huấn luyện binh sĩ. Mỹ đổ tiền của, vũ khí, đưa chuyên gia quân sự sang Syria hỗ trợ một số nhóm nổi dậy nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống B.al-Assad (thân Nga), trong đó có Quân đội Syria Tự do (FSA), Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

 

Arab Saudi hỗ trợ lực lượng nổi dậy Al-Fatah trong liên minh vũ trang ở Idlib bao gồm Mặt trận Al-Nusra, Ahrartro-Sham, Jund al-Aqsa, Quân đội Syria Tự do (FSA). Đáng lưu ý cả 3 lực lượng được Arab Saudi- thủ lĩnh của các nước vùng Vịnh chống lưng đều trung thành với Mỹ, kiên quyết chống Tổng thống B.al-Assad và liên hệ khá chặt chẽ với tổ chức Hồi giáo cực đoan Al-Qaead?!

 

Các lực lượng nổi dậy trên, trong những năm qua, đều bắt tay với Hồi giáo IS, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu dầu mỏ, đồ cổ và vũ khí. Tuần qua, Arab Saudi tuyên bố, sẽ cung cấp tên lửa đất đối không cho các nhóm nổi dậy ở Syria? Nếu sự việc đó xảy ra, cuộc chiến ở Syria sẽ thêm phức tạp, khi số tên lửa này rơi vào tay phiến quân IS, các máy bay liên quân: Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nga, Syria hãy coi chừng? Thổ nuôi tham vọng khôi phục Đế chế Ottoman, nuôi dưỡng lực lượng Dân quân “Sư đoàn Sói xám” hàng vạn tay súng trên đất Syria, mục tiêu bá chủ khu vực, ủng hộ Mỹ lật đổ chế độ của ông B.al-Assad, hỗ trợ đánh dẹp các nhóm người Kurd ở Syria.

 

Thổ liệt các nhóm Dân quân người Kurd (YPG, PYD) và đảng Công nhân người Kurd (PKK) là quân khủng bố! Trong khi đó, kể từ 30-9-2015, Nga không kích phiến quân khủng bố, hỗ trợ quân Chính phủ Syria tái chiếm lại các vùng lãnh thổ, bảo vệ Tổng thống B.al-Assad. Nga công khai ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD), nhất là sau khi Thổ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24; và xem PYD là lực lượng chống Hồi giáo IS hiệu quả nhất! Nga và Mỹ, Arab Saudi, Thổ khác nhau về lợi ích, thậm chí trái ngược nhau, khi tham chiến ở Syria.

 

Cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, trong đó có Syria, xem ra chưa có hồi kết. Mỹ và liên quân chi phí hơn 11 triệu USD/ngày, Nga chi 2-3 triệu USD/ngày. Hơn 4 năm qua ở Syria, xung đột làm 250 ngàn người thiệt mạng, hơn 4 triệu người tị nạn sang Thổ, Qatar, hàng triệu người mất nhà cửa, hàng chục triệu người dân lâm vào nghèo đói. Chiến tranh châm ngòi cho làn sóng di cư tự do tràn vào châu Âu, phá vỡ sự bình yên của Lục địa già cũng đang trong cơn bĩ cực khủng hoảng kinh tế! Vậy, ai hưởng lợi từ cuộc chiến này?

 

Trước hết, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng, lái súng quốc tế kiếm lợi nhuận hàng chục tỷ USD. Nếu như năm 2014, thị trường vũ khí Mỹ thu được 36,2 tỷ USD thì đã tăng lên 35% năm 2015 và dự kiến tăng tương tự vào năm 2016, mặc dù các quốc gia đều giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng. Với ưu thế sản xuất máy bay hiện đại, hệ thống tên lửa, xe tăng hạng nặng, xe bọc thép, Mỹ trở thành nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, là nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á, kiểm soát 55% thị trường vũ khí toàn cầu. Nga là nước chiếm thứ 2 thị trường vũ khí với 10,2 tỷ USD năm 2014 tăng lên 15 tỷ USD  năm 2015, dự kiến các đơn hàng năm 2016 khoảng 15-20 tỷ USD. Sau đó là các nước: Thụy Điển 5,5 tỷ USD, Pháp 4,4 tỷ, TQ 2,2 tỷ.

 

Các giao dịch pháp lý về vũ khí từ 71,8 tỷ USD năm 2014 tăng lên gần 100 tỷ USD năm 2015. Chiến tranh Trung Đông, mối đe dọa an ninh châu Âu từ Nga, ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, Triều Tiên; sự trỗi dậy, bành trướng biển Đông của TQ… đang là quảng cáo hấp dẫn, để các nước chạy đua mua sắm vũ khí khủng, đổ hàng chục tỷ USD vào túi các nhà sản xuất vũ khí.

 

Hai năm qua, giá dầu thế giới giảm 2/3 chỉ còn hơn 30 USD/thùng so với bình quân 100 USD năm 2014. Đây được xem như cuộc chiến của Arab Saudi và Tổ chức OPEC chống lại chương trình dầu đá phiến sét của Mỹ và hạ gục kinh tế Nga- Nước thu ngân sách 60% từ dầu mỏ. OPEC sản xuất gần 32 triệu thùng/ngày, trong đó Arab Saudi 11 triệu thùng, Nga hơn 10 triệu, Mỹ hơn 9 triệu thùng/ngày.

 

Thế giới đang thừa gần 2 triệu thùng/ngày, đó là chưa kể Iran mới sản xuất 0,5 triệu thùng/ngày, năng lực có thể lên 2 triệu thùng/ngày. Mỹ cũng cho phép xuất khẩu dầu, trong khi các kho chứa đang đầy ứ. Thấm đòn mất hàng trăm tỷ USD/năm, Nga, Arab Saudi và một số nước vừa đạt được thỏa thuận không tăng số dầu khai thác nhằm ổn định, tiến tới tăng giá dầu thô. Tuy vậy, cơ chế kiểm soát hạn ngạch sản xuất dầu không bị ràng buộc, lợi ích mỗi quốc gia khác nhau, khó thỏa thuận là nguy cơ phá sản hàng loạt cơ sở dầu mỏ. Trong khí đó, TQ giảm được hơn 350 tỷ USD (2014-2015) do nhập khẩu dầu giá hạ.

 

 Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ