A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6,5-7%

QPTĐ-Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm (2021-2025) từ 6,5-7% là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, Chính phủ đã bám sát quan điểm phát triển kinh tế-xã hội của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cập nhật, bổ sung tình hình, tác động của đại dịch Covid-19, nhất là từ đầu năm 2021 đến nay, để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).

Trong đó, mục tiêu tổng quát được đặt ra là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm (2016-2020), đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.     Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, có các chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%... Kế hoạch của Chính phủ cũng đã đặt ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai chiến lược vắc xin toàn diện, hiệu quả,  phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

 Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong 5 năm tới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, tạo nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics... Phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Trước đó, cũng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu. Theo đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực… Phó Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu… đã luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch. Trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam,  đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, để phục hồi và phát triển kinh tế.

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ