A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa Xuân là Tết trồng cây

 

QPTĐ-Có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại có một cái Tết độc đáo như của nhân dân Việt Nam: Tết trồng cây. Vào một ngày Xuân ấm áp sau Tết Nguyên đán, người dân cả nước lại náo nức mở hội trồng cây. Từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ nhà máy đến công xưởng, đơn vị, cơ quan, trường học, từ người già đến em nhỏ… người người, nhà nhà đều tham gia trồng cây. Hoạt động giàu ý nghĩa này đã trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân ta khi mỗi mùa Xuân đến.

 

 

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham gia Tết trồng cây tại huyện Thanh Trì.

                                                                                                Ảnh: Internet

 

 

Người khởi nguồn cho Tết trồng cây chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách đây 58 năm, vào tháng 11 năm 1959, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc. Từ đấy, cứ mỗi mùa Xuân đến, nhân dân ta lại làm theo lời Bác tưng bừng mở hội trồng cây. Cây được trồng trên phố, trên đường thôn, đường làng, cây được trồng ở công viên, công sở, trường học, cây được trồng ở đồng ruộng, núi đồi, nông, lâm trường. Cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hay đơn giản là cây bóng mát đều đem lại lợi ích to lớn cho người dân.

 

Chính vì thế mà đã gần 60 năm qua, không có mùa Xuân nào là không có Tết trồng cây, kể cả trong chiến tranh giặc giã. Trải qua một quá trình lịch sử, Tết trồng cây ngày nay đã không chỉ mang ý nghĩa động viên Phong trào “Trồng cây, gây rừng”, mà hơn thế nữa, việc trồng cây đã được đưa vào quy hoạch trong đó có cả chiến lược trồng rừng, trồng cây chắn sóng, trồng cây xanh đô thị…Tết trồng cây ngày nay đã đi vào thực chất: Trồng ở đâu, loại cây gì, chăm sóc bảo vệ cây ra sao…đều đã được tính toán, tổ chức hợp lý. 


Đối với Thủ đô Hà Nội, cây xanh, mặt nước có vị trí cực kỳ quan trọng trong cấu trúc đô thị. Tác dụng của cây xanh là vô cùng cần thiết với đời sống con người, không những thế cây xanh còn gắn bó thân thiết với con người và góp phần làm đẹp cho cảnh quan đô thị. Thế nhưng cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng cao, sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở Hà Nội đã và đang đem đến nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay, tỷ lệ cây xanh tính theo đầu người ở Hà Nội chưa đến 2m2 (trong khi đó Singapore  là 30m2, Seoul: 41m2 hay Berlin 50m2...).

 

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10m2/người (tiêu chuẩn mà Liên hợp quốc đề ra là 39 m2/người). Hiện nay, Hà Nội đang tích cực thực hiện mục tiêu tới năm 2020 sẽ trồng mới một triệu cây xanh. Trên nhiều đường phố mới, các dải phân cách… hàng nghìn cây xanh đã được trồng, được bảo vệ tốt đang hồi phục và phát triển.


Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về tổ chức Phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Mậu Tuất năm 2018. Theo đó, Thành phố sẽ phấn đấu trồng mới 300.000- 350.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây xanh đô thị trên các tuyến đường giao thông đô thị Thành phố; riêng trong dịp đầu Xuân Mậu Tuất, Hà Nội sẽ trồng 100.000-150.000 cây xanh các loại; trồng mới 160ha rừng; chăm sóc, khoanh nuôi 3.546ha rừng đặc dụng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ; góp phần tăng độ che phủ rừng của Thành phố. 


Thế giới hôm nay đang phát triển theo hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh, nhằm tạo dựng môi trường sống bền vững, thân thiện giữa con người với thiên nhiên, môi trường. Nghĩ về xu hướng thời đại ấy, mỗi người chúng ta càng thấy tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ. Ngay từ khi đất nước còn đang xây dựng nền móng của CNXH, Bác đã có cả một tầm nhìn cho đất nước mai sau:


Mùa Xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.


Hữu Văn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ