A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khốc liệt cuộc chiến thương mại toàn cầu!

 

QPTĐ-Phát biểu báo chí, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết: Theo đề nghị của Bắc Kinh, sẽ sớm nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 13 vào tháng 9 này. 

 

 

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp.

Ảnh: Internet


Tuần qua, Hội nghị Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) họp ở thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp (từ 24-26/8) ra thông báo vắn tắt trong 1 trang giấy, được xem như là thành công của nước chủ nhà nhằm tránh những bất đồng giữa các nước thành viên, bởi trên bàn Hội nghị đặt ra những vấn đề nóng bỏng như thương mại, Brexit, cháy rừng Amazon; tình hình Iran, Ukraine, Libya, Hong Kong (Trung Quốc). Nhưng bên lề Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận song phương về trao đổi thương mại, chính sách thuế quan.  


Ngay ngày đầu tiên ngồi ghế Ông chủ Nhà Trắng (20-1-2017), Tổng thống D.Trump ký Sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đồng thời, tuyên bố đánh thuế hàng hóa của Mexico để lấy tiền xây bức tường biên giới giữa hai nước; đánh thuế 10-25% mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ. Việc châm ngòi cuộc chiến thuế quan với các nước được xem là chủ trương nhất quán của ông D.Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 với khẩu hiệu: “Nước Mỹ trên hết!”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!”.


Hơn 2 năm qua, dưới thời Tổng thống-tỉ phú D.Trump, chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ có những đổi khác so với người tiền nhiệm B.Obama (bất kể đó là đối thủ, đối tác hay đồng minh), khiến mối quan hệ giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran hoặc đồng minh truyền thống như EU, vùng Vịnh, Nhật Bản, Hàn Quốc…không khỏi bất ngờ, khó phân định. 


Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), Trung Quốc choáng váng với lệnh áp thuế nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ (năm 2017). Năm 2018, Mỹ tuyên bố cấm sử dụng thiết bị của Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) gây thiệt hại tức thời cho doanh nghiệp này 10 tỉ USD; đồng thời, áp mức thuế 25% với 50 tỉ hàng hóa Trung Quốc để điều chỉnh thâm hụt thương mại giữa hai bên; tăng thuế lên 30% với 250 tỉ hàng hóa khác. Bắc Kinh (5-8) tuyên bố hạ giá đồng NDT để cứu vãn xuất khẩu; đồng thời (ngày 23-8) đáp trả, áp mức thuế mới lên số hàng hóa trị giá 75 tỉ USD của Mỹ. Lập tức, Nhà Trắng ra lệnh áp thuế tăng thêm 5% với 550 tỉ hàng hóa còn lại của Bắc Kinh có hiệu lực từ 1-9; tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế để buộc các doanh nghiệp Mỹ cắt quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau những vận động ngoại giao, Tổng thống D.Trump đồng ý khởi động lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung và hoãn áp thuế đến ngày 15-12-2019. 


Giới chuyên gia kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại vào trước tháng 11 năm nay, tránh sức ép thuế quan làm suy yếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (quý II-2019 chỉ còn 6,2% so với 6,4% quý I, thấp nhất trong hàng thập kỷ qua kể từ năm 1992) và gây thiệt hại ít nhất 40 tỉ USD/năm đối với Mỹ. Khi 2 nền kinh tế số 1, số 2 thế giới (Mỹ, Trung) tăng trưởng chậm, kéo theo sự kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ D.Trump có 2 chuyến viếng thăm chính thức vào năm 2017 và 2018, cuộc đàm phán gần nhất diễn ra bên lề Hội nghị G-20 ở Nhật Bản (6-2019) nhưng người ta nghi ngại Mỹ đang dùng “chiến thuật câu giờ” nhiều hơn là nhượng bộ Mỹ trong đàm phán thương mại? 


Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc-các đồng minh của Mỹ, không khỏi bối rối trước tuyên bố tăng thuế mặt hàng nhôm, thép và đánh thuế ô tô, linh kiện ô tô nhập khẩu vào Mỹ. EU và các nước tuyên bố, sẽ có biện pháp đáp trả trước chính sách “thuế quan không công bằng” của Mỹ. Tuy nhiên, phản ứng yếu ớt của mỗi nước, thậm chí cả 28 quốc gia thành viên EU cũng khó ngăn cản lợi ích quốc gia của Chú Sam-nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, Tổng Tư lệnh Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO)? 


Ngày 26-8 vừa qua, Tổng thống D.Trump tuyên bố, Mỹ chưa vội áp thuế lên ô tô của Nhật Bản, EU sau các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị G-7 vừa diễn ra ở Pháp! Đây không chỉ là tín hiệu tốt lành với châu Âu, Nhật mà còn là cơ hội ổn định thị trường xe hơi toàn cầu. Tổng thống D.Trump cho biết, ông sẽ đến thăm Đức vào vài tuần tới nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại Mỹ-Đức, Mỹ-EU, tập trung vào các mặt hàng công nghiệp, ô tô, sản phẩm nông nghiệp. 


Nhà Trắng kịch liệt phản đối “Dòng chảy phương Bắc-2” công suất 55 tỉ m3 khí đốt/năm từ Nga sang Đức đến châu Âu cùng với “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” công suất 35 tỉ m3 khí đốt/năm từ Nga sang Thổ, thay thế đường ống năng lượng truyền thống Nga-Ukraine. Tổng thống D.Trump gọi dự án trên trói buộc “châu Âu là con tin của Nga”. Cuộc chiến dầu mỏ, khí đốt giữa Mỹ với Nga, Mỹ-OPEC đang nóng bỏng, trong đó có Iran.


Với Nhật Bản, Mỹ cam kết giữ mức thuế 2,5% với xe khách và 25% với xe bán tải như hiện nay trong khi Nhật cam kết giảm thuế, nhập khẩu tăng thêm 7 tỉ USD (hiện là 14 tỉ USD) hàng nông sản, thực phẩm như lúa mì, sữa, rượu vang, ethanol, thịt bò, thịt lợn. Đại diện Thương mại Mỹ xác nhận, thỏa thuận bước đầu Mỹ-Nhật này sẽ giảm thuế đối với một số mặt hàng công nghiệp từ Nhật nhưng không giảm thuế đánh vào ô tô, phụ tùng ô tô; trong khi Hãng Toyota Motor đầu tư vào Mỹ tạo thêm hàng ngàn việc làm cho lao động Mỹ. Hiện, thâm hụt thương mại trong lĩnh vực ô tô Mỹ-Nhật là 56 tỉ USD. 


Song song với hàng hóa dân sự, Tổng thống D.Trump chú trọng phát triển, thương mại hóa các mặt hàng quân sự, quốc phòng khai thác các thị trường nhiều tiềm năng vùng Vịnh, Trung Đông, Bắc Phi, châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu. Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Mỹ kêu gọi Khối NATO phải chi đủ 2% GDP/năm cho ngân sách quốc phòng, bởi khối này mua sắm vũ khí không dưới 100 tỉ USD/năm? Mỹ đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí (33-35% thị phần) với 41,93 tỉ USD (2017), 55,7 tỉ USD (2018), năm 2019 đã kí hợp đồng trị giá gần 200 tỉ USD. Nga đứng thứ 2 với 20-22% thị phần. Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức đang nổi lên, chiếm ưu thế xuất khẩu vũ khí toàn cầu. 


Xem ra thương chiến hàng hóa cũng khốc liệt không kém các cuộc xung đột, chạy đua vũ trang toàn cầu!


NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ