A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kho hàng đầu tiên của bộ đội Trường Sơn

 

QPTĐ-Tại phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) có một lô cốt xây bằng gạch nằm ngay đầu ngõ 40, đường Kim Giang, ven bờ sông Tô Lịch. Đây là bốt Lũ-di tích cách mạng kháng chiến, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống tại địa phương. 

 

 

Hiện vật bao gói vũ khí, trang bị được trưng bày tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

 

Đoàn công tác Quân sự đặc biệt (Đoàn 559) được thành lập ngày 19/5/1959. Năm 1959, Đoàn 559 mở đường Trường Sơn đã chọn bốt Lũ (bốt được thực dân Pháp xây dựng năm 1950) làm kho, xưởng sửa chữa, hiệu chỉnh vũ khí bộ binh và thiết bị quân sự để chở vào Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho bộ đội Trường Sơn chuyển vào Tà Hiệp (Bắc A Lưới, Thừa Thiên Huế) giao cho Liên khu V. 


Thiếu tá Lương Thị Nguyệt, Nhân viên Ban trưng bày, tuyên truyền Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh cho biết: Theo Lịch sử Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh, ngay sau khi Đoàn 559 được thành lập, việc chuẩn bị vũ khí, trang bị để vận chuyển vào Nam được tiến hành khẩn trương. Số vũ khí bộ binh chiến lợi phẩm ta thu được trong kháng chiến chống thực dân Pháp (chủ yếu là súng trường Mát, Tiểu liên Tuyn-khoảng 20 tấn), trước đây do Cục Quân giới quản lý được lệnh chuyển toàn bộ cho Đoàn 559. Địa điểm tập kết vũ khí là ở bốt Lũ (Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Kim Giang, quận Thanh Xuân), cạnh bờ sông Tô Lịch, phía Nam Hà Nội. Ngoài vũ khí, một số quân trang, quân dụng chiến lợi phẩm như ống nhòm, địa bàn, dao găm…đã trang bị cho các đơn vị cũng được lệnh thu hồi và chuyển giao cho Đoàn 559.


Lúc này, bốt Lũ vừa là kho, vừa là xưởng sửa chữa, hiệu chỉnh vũ khí do Trung úy Nguyễn Ngọc Linh phụ trách. Mười bốn cán bộ, công nhân quân giới không kể ngày đêm tập trung sửa chữa, hiệu chỉnh từng khẩu súng bảo đảm chính xác cao. Nếu là vũ khí, trang bị do các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất thì phải tẩy xóa hết ký hiệu. Vũ khí sau khi sửa chữa, hiệu chỉnh được bao gói, bảo quản cẩn thận. Việc đóng gói được tính toán trọng lượng vừa sức người mang vác hành quân đường dài trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở (mỗi gói nặng khoảng 25kg). Súng đạn bao gói còn phải dự kiến tình huống khi vận chuyển gặp địch, phải cất giấu trong nước, trong bùn đất lâu ngày mà không han gỉ, hư hỏng.


Qua nhiều lần thử nghiệm, bộ phận bao gói tìm ra cách bôi khắp súng, đạn một lượt mỡ bảo quản, bọc một lớp vải  nhúng pa-ra-phin và bọc 3 lớp vải chống ẩm bên ngoài. Cả gói được cuộn chặt, đem dìm xuống đáy sông Tô Lịch. Hơn nửa tháng vớt lên súng, đạn vẫn được bảo quản tốt.


Vũ khí, trang bị sau khi hoàn tất khâu bảo dưỡng, bao gói được đoàn xe đặc biệt của Tổng cục Hậu cần bí mật chuyển tới khu tập kết của Đoàn 559 tại một cánh rừng già gần Khe Hó.


Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao, hệ thống đồn bốt chốt chặn của kẻ thù, chuyến hàng (gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn) đã được Tiểu đoàn 301, Đoàn 559 chuyển tới Tà Riệp an toàn. Đến hết tháng 8/1959, Đoàn đã chuyển giao Liên khu 5 được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh.


Sau khi đã ổn định tuyến vận tải bộ, ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46 chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Tổng Quân ủy. Nhiệm vụ của Đoàn lúc này là mở đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển và bảo đảm hậu cần cho Đoàn 959 chuyên gia ở Lào và vận chuyển vật chất giúp bạn Lào.


Trải qua 16 năm hoạt động trên chiến trường Trường Sơn (từ năm 1959 đến năm 1975), từ chỗ lấy gùi thồ làm chính, vận chuyển trên những con đường nhỏ hẹp, bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, đoàn kết hiệp đồng, mưu trí, dũng cảm chống trả cuộc chiến tranh ngăn chặn khốc liệt của Mỹ. Đoàn 559 đã xây dựng được tuyến vận tải chiến lược xuyên qua dãy Trường Sơn trùng điệp, trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào, 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia với tổng chiều dài 20.000km đường ô tô, 3.140km đường kín, 3.800 km đường giao liên, 600km đường sông, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu; tổ chức vận chuyển hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường; hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa…thực hiện thắng lợi sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường các nước bạn, góp phần hết sức quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, tận mắt chứng kiến những hiện vật trưng bày tại đây và xem phim tư liệu về bộ đội Trường Sơn, chúng tôi càng thêm tự hào về những con người huyền thoại, đã làm nên một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Đỗ Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ