A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

 

Cuộc đời của Bác Hồ là một mẫu mực về tự rèn luyện. Từ thời thiếu niên đến lúc trở thành Chủ tịch nước, Bác không ngừng đấu tranh hoàn thiện mình. Sự uyên thâm và vĩ đại của Bác chính là nhờ ý chí rèn luyện, học tập đã trở thành nếp sống, thói quen đó của Bác.

 

Hai mươi mốt tuổi, ra đi với hai bàn tay trắng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chỉ có một khát vọng cháy bỏng là tìm đường giải phóng dân tộc. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau để tự kiếm sống và để đi được nhiều nơi. Bác làm rất nhiều việc từ thợ đốt lò trên tàu Viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ… Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người học ở Trường Đại học Phương Đông, Đại học Quốc tế Lênin, nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề thuộc địa  với luận án về Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á nhưng Bác vẫn coi tự học là chính. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây đều bằng phương pháp tự học.  Bác biết và sử dụng thành thạo các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga… Bác còn biết tiếng Xiêm (Thái Lan), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, và tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn chương phong phú và vô giá, tiêu biểu là tập thơ Nhật ký trong tù được viết bằng chữ Hán. Các nhà nghiên cứu đều có chung nhận xét, học chữ Hán rất khó, nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy… Nhật ký trong tù là một thi phẩm viết bằng chữ Hán có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng… phải có vốn Hán học đạt tới sự uyên thâm mới viết ra được…

 

Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng. Học tập để hoạt động cách mạng và qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người đã hội tụ tinh hoa văn hóa nhân loại, xứng đáng với sự tôn vinh của tổ chức UNESCO: Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.

Nghị lực của Bác Hồ còn được thể hiện ngay trong cuộc sống lao động giản dị hàng ngày. Ở Chiến khu hay Phủ Chủ tịch, Bác vẫn cuốc đất trồng rau, tiết kiệm từng mẩu giấy viết, tận dụng từng chiếc áo đã sờn… Nghị lực đó còn được thể hiện qua việc Bác đã từng đấu tranh với chính mình để từ bỏ thói quen hút thuốc lá-một thói quen-mà theo Bác là không dễ bỏ chút nào. Theo các nhà nghiên cứu, chính lối sống thanh tao, giản dị, bản lĩnh, nghị lực, không ham danh lợi  để toàn tâm toàn ý phụng sự và dâng hiến cho dân, cho nước làm nên đạo đức cách mạng trong sáng, làm nên sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội, địa phương, đơn vị. Đây là một chủ trương lớn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng,  với yêu cầu được xác định cao hơn, trong đó nhấn mạnh, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đối với mỗi người, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên việc học tập và làm theo Bác nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ