Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19
QPTĐ-Chưa kịp gượng dậy khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp lại đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trước sự bùng phát trở lại của đại dịch, trong đó không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải giải thể, công nhân mất việc làm. Theo Báo cáo của Tổng Cục thống kê về kết quả khảo sát đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đến tháng 4/2020, có tới 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Nhóm doanh nghiệp lớn chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%; và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là 82,1%. Dịch Covid-19 đã kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), thị trường cung-cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ… Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động như: Chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả lương cho lao động và những chi phí thường xuyên khác…
Nhiều giải pháp được Chính phủ triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. (Ảnh: Internet)
Doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang ngày càng đóng vai trò động lực chủ yếu, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, theo đúng chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, trong nền kinh tế mà phần lớn là DNNVV, lại chiếm tỷ trọng chủ yếu ở khu vực dịch vụ, bán buôn bán lẻ, hoặc nhà hàng, ăn uống, đều là những lĩnh vực dễ bị tổn thương khi nền kinh tế gặp biến động, nhất là trong đại dịch. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, số lượng doanh nghiệp chỉ phản ánh một phần năng lực của nền kinh tế, điều quan trọng hơn là doanh nghiệp thành lập phải phù hợp xu hướng phát triển của thời đại mới, không thể cứ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn.
Do đó, Nhà nước đã có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn để ổn định SXKD để phát triển. Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội ban hành tháng 6/2017, nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục hoạt động SXKD. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và nghiên cứu bổ sung các giải pháp để đưa các chính sách hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống; chủ động cân đối và bố trí kinh phí thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ DNNVV trong kế hoạch trung hạn và hàng năm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong thời gian qua Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Hà Nội hiện đã có trên 100.800 DNNVV và để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, mới đây, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về việc hỗ trợ DNNVV trên địa bàn năm 2021. Với mức kinh phí hỗ trợ dự kiến lên đến 402 tỷ đồng, là một nguồn lực rất cần thiết cho các DNNVV trong thời điểm này.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, thuế, chính sách đồng hành của các ngân hàng ... thì việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển thị trường... là những nhóm hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay. Vừa chống dịch quyết liệt đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển chung, đã được các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp của Thành phố tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV trên địa bàn Thành phố Hà Nội phát triển.
Hữu Văn