A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

75 năm sáng ngời đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”

QPTĐ-Lịch sử dân tộc ta gắn liền với những kỳ tích dựng nước và giữ nước, đặc biệt là truyền thống chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Truyền thống vẻ vang đó đã được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh, khi toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, đã anh dũng  “đánh thắng hai đế quốc to”, giành lại non sông, đất nước. Đây là chiến thắng to lớn nhất, triệt để và tròn vẹn nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Để có được những thắng lợi vĩ đại ấy, đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc  hiến dâng  cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. 

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ngay từ thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7/1947 là ngày “Thương binh, liệt sĩ”, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta và đã động viên được mọi nguồn lực của xã hội cho công tác chăm sóc người có công với cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. 

Theo Bộ LĐ, TB&XH, đến nay toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Đặc biệt  là đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.   Chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi trú đạt 98,6%. Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ… Ngoài ra còn có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như xây "Nhà tình nghĩa", lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng... Bản thân người có công với ý chí tự lực, tự cường đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, công tác…

Đại tá Nguyễn Khắc Nhân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng quà cho các đối tượng chính sách.

Tại buổi gặp mặt với đại biểu  người có công tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  khẳng định, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. “Những việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc”. Tổng Bí thư đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. “Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm: Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Hữu Văn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ