Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
QPTĐ-“Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực”. Đây là mục tiêu tổng quát được xác định trong Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Dây chuyền sản xuất dung môi vaccine Pfizer tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nội.
Thành tựu và thách thức
Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của Thành phố được Thành ủy quan tâm lãnh đạo sâu sát và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Hà Nội khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KH&CN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Kết quả nghiên cứu được Hà Nội ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, tạo cơ sở khoa học để tham mưu, hoạch định cơ chế, chính sách; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Hà Nội cũng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ… Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Cùng với đó, các hoạt động đổi mới sáng tạo bước đầu được triển khai hiệu quả; hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng, nhìn thật, Thành ủy cũng thẳng thắn nêu rõ: Hoạt động KH&CN của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Mục tiêu và giải pháp trọng tâm
Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra 5 mục tiêu cụ thể. Trước hết, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học. Đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G. Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế; dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.
Hà Nội là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.
Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á.
Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.
Chương trình 07-CTr/TU cũng xác định những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7-7,5%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%...
Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, Chương trình 07-CTr/TU xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát triển tiểm lực và khoa học công nghệ; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập.
Với hàng loạt mục tiêu, chỉ tiêu và những giải pháp đồng bộ, căn cơ, Chương trình số 07-CTr/TU là định hướng, mục tiêu và cũng là cơ sở, động lực để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo xứng tầm trong khu vực và trên thế giới.
Đức Minh