A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về với Điện Biên

 

Trong tiết trời giá lạnh, sương mù che phủ trải dài khắp các cung đường Tây Bắc, chúng tôi cùng Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong chuyến công tác đầu năm tại tỉnh Điện Biên. Thật khó có thể nói hết cảm xúc của những người trẻ như chúng tôi trong chuyến đi này bởi được trải nghiệm trên những cung đường đèo uốn lượn quanh co, hiểm trở. Nơi đó có ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, có đồi chè xanh bao la, có rừng hoa ban trắng muốt. Không chỉ có cảnh đẹp thiên nhiên, Điện Biên còn là địa danh lịch sử nổi tiếng gắn với những chiến công của cha anh ta đánh giặc. Vì vậy, chúng tôi ai cũng háo hức và hội hộp khi đặt chân đến mảnh đất Điện Biên Anh hùng.

 

 

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Mùa này, ở thành phố Điện Biên Phủ, khá đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và chờ đón Lễ hội hoa ban năm 2017. Cụm di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ được quy tụ liên hoàn như một bức tranh khơi gợi lên khung cảnh cuộc chiến đấu gian khổ, hào hùng năm xưa của quân và dân ta. Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, nơi có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Với nghi thức trang nghiêm, lòng thành kính, Đoàn đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm. Mỗi thành viên trong đoàn đều thể hiện sự biết ơn vô hạn với những người lính đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

 

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội

cho cán bộ, nhân viên Bộ CHQS tỉnh Điện Biên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Chúng tôi hành quân lên đồi A1 ở phường Mường Thanh, cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cách đồi A1 khoảng hơn một cây số là căn hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát ở cánh đồng Mường Thanh. Căn hầm được xây dựng rất kiên cố, là nơi tướng Đờ Cát và Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm sử dụng trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng cũng tại căn hầm này, tường Đờ Cát và các sĩ quan tham mưu của ông ta đã bị bộ đội ta bắt sống. Tướng Đờ Cát đầu hàng, khiến tham vọng của người Pháp ở Điện Biên Phủ sụp đổ, lòng chảo Điện Biên trở thành mồ chôn quân Pháp và trở thành nỗi ám ảnh không thể xua tan của thực dân Pháp.

 

Địa danh đáng nhớ nhất đối với mọi người trong chuyến đi này có lẽ là di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh, thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cách thành phố Điện Biên khoảng 38km. Chúng tôi phải đi bộ vào rừng gần 2km mới đến được địa phận của Sở Chỉ huy chiến dịch. Nơi làm việc của Sở chỉ huy Chiến dịch hiện ra trước mắt mọi người thật đơn sơ, giản dị. Từ Trạm gác tiền tiêu, cơ quan thông tin, lán đại đội vệ binh, lán sĩ quan liên lạc đến lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, lán Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tất cả dường như vẫn còn nguyên vẹn.

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan, chị Lò Thị Thủy, người dân tộc Thái, hướng dẫn viên khu di tích tự hào giới thiệu: Sở chỉ huy nằm ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ thuộc chân núi Pú Đồn. Khoảng cách từ đây tới cứ điểm quân sự của thực dân Pháp chỉ 17km theo đường chim bay. Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đài quan sát có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...

 

Khi đó, vào những thời điểm quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn được đào xuyên vào núi để tránh bom và đạn pháo. Đường hầm dài 69m, cao 1,7 m, rộng từ 1 đến 3m, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Tại nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Sở Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng tiến công  trên toàn mặt trận vào chiều ngày 7/5/1954.

 

Không đủ thời gian để đi hết các di tích lịch sử ở Điện Biên nhưng những địa danh được đặt chân đến, chúng tôi đều nhanh tay ghi lại hình ảnh và số liệu để làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị. Cuộc hành trình về với Điện Biên Anh hùng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, là dịp để chúng tôi hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận rõ hơn những mất mát mà cha ông ta đã hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc. Qua đó, chúng tôi cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục, học tập, công tác và cống hiến nhiều hơn nữa sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

        Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ