Tình quân dân trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid- 19
QPTĐ-Từ ngày 26/2 đến nay, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tiếp nhận hơn 700 công dân người Việt từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 trở về lưu trú và cách ly, để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Sau gần hai tuần thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận công dân về cách ly, cán bộ, chiến sĩ của Nhà trường vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho công dân một cách tốt nhất, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Chuẩn bị chu đáo bữa ăn cho người được cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Cảm nhận tình đồng bào ấm áp
Đối với những công dân khi về đây cách ly, họ đều nhận thức rõ về tình hình mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên ai cũng vui vẻ chấp hành nghiêm mọi quy định, cùng hợp tác với Nhà trường để phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, họ nhận được sự chăm sóc sức khỏe tận tình, chu đáo của các y, bác sĩ. Chị Bùi Thị Cúc, quê ở Quảng Ninh, sinh hoạt tại phòng 209 chia sẻ: “Vợ chồng tôi định cư ở Hàn Quốc hơn chục năm nay. Một năm chúng tôi cũng thường về Việt Nam vài lần vì công việc. Nói thật lúc đầu khi chuẩn bị về trung tâm này, tôi và mọi người có rất nhiều e ngại. Nhưng ngay từ ngày đầu vào cho tới ngày hôm nay, mọi người đều thấy rất thoải mái, được tôn trọng, cách tổ chức rất khoa học, quy củ. Môi trường sạch đẹp, trong lành. Chúng tôi được cung cấp đầy đủ các vật dụng cá nhân. Ngày 3 bữa cơm phục vụ tại giường và thăm khám sức khỏe thường xuyên. Các bạn chiến sĩ, cũng như các y, bác sĩ rất vui vẻ, nhiệt tình...”.
Thường xuyên phun thuốc khử khuẩn khu vực cách ly.
Cùng chung cảm nhận như chị Cúc, Đào Thị Liên, quê ở huyện Ân Thi, Hưng Yên, du học sinh trở về từ thành phố Deagu- tâm dịch của Hàn Quốc, về cách ly từ ngày 26-2 bộc bạch: “Những ngày đầu mới vào đơn vị, em có chút bỡ ngỡ, hoang mang, lo lắng nhưng sau gần 2 tuần được cách ly tại nhà trường, em cảm thấy thoải mái với điều kiện sinh hoạt và tin tưởng thực hiện tốt các quy định về cách ly, giám sát y tế! 14 ngày “ăn cơm bộ đội, ngủ giường tầng”, được bảo vệ an toàn thực sự là trải nghiệm khó quên với em...”. Đứng cạnh Liên, bác Phùng Thái Dương ở Quảng Ninh không giấu nổi xúc động: “Khu nhà mà chúng tôi đang ở là 2 dãy nhà 5 tầng khang trang, sạch đẹp, rộng rãi, thoáng mát nhất của Nhà trường. Chúng tôi được biết, thời gian qua, để chuẩn bị đón công dân từ vùng dịch trở về, gần 200 cán bộ, học viên của Nhà trường đã thực hiện di chuyển sang khu vực khác nhường lại doanh trại đẹp này cho chúng tôi. Sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong khu cách ly, khiến tôi có cảm giác như mọi người là một gia đình, tình cảm đồng bào thật ấm áp”.
Nhân viên Y tế định kỳ kiểm tra thân nhiệt cho người cách ly, theo dõi.
Vì nhân dân phục vụ
Trong những ngày qua, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly của Nhà trường đã không quản ngại khó khăn vất vả, làm tốt công tác bảo đảm cơ sở vật chất như giường, chiếu, chăn, màn, đồ dùng vệ sinh cá nhân cho công dân về thực hiện cách ly theo quy định. Tại các khu nhà ở, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế đã liên tục tiến hành tiêu độc khử trùng, làm việc không có ngày nghỉ. Những bộ đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang chuyên dụng in hằn trên khuôn mặt, những bình đựng nước sát khuẩn nặng chĩu trên lưng, đi hết dãy nhà này sang dãy nhà khác, tầng này lên tầng khác, song không ai nề hà, kêu ca vất vả, tất cả với mong muốn đem lại sự an toàn nhất cho người dân. Để có được hàng trăm suất ăn luôn bảo đảm cơm chín, nước sôi, đầy đủ chất, theo đúng tiêu chuẩn định lượng của quân đội, lực lượng phục vụ của nhà bếp đã phải thức khuya, dậy sớm, mồ hôi ướt sũng… Vất vả là vậy nhưng các anh, các chị nuôi quân luôn vui vẻ. Đại úy QNCN Trương Thúy Hằng, Nhân viên Quản lý bếp ăn chia sẻ: “Bên cạnh định lượng và đổi món trong các bữa ăn, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Bà con ăn có ngon miệng mới có sức khỏe, tâm hồn lạc quan yêu đời để chiến thắng dịch bệnh và đó cũng là những gì mà đội ngũ phục vụ của Nhà trường muốn gửi gắm đến bà con”.
Người dân tăng cường tập thể dục rèn luyện sức khỏe trong thời gian cách ly.
Điều đáng nói, đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được lựa chọn vào khu cách ly đồng nghĩa với việc chính họ cũng phải cách ly với người thân, gia đình mình. Đại úy Nguyễn Đăng Thắng, quê ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, là bác sĩ của Nhà trường trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu cách ly. Công việc hàng ngày của anh là kiểm tra thân nhiệt cho người dân vào lúc 9h sáng và 15h chiều. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ thì các anh tổ chức cách ly sang khu vực cách ly đặc biệt, sau đó báo cáo và chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngay. Còn các trường hợp bệnh thông thường khác thì cấp thuốc điều trị tại chỗ. Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp tổ chức việc thu gom và tổ chức xử lý rác thải hàng ngày. “Từ khi bước vào chiến dịch phòng chống dịch Covid-19, đến nay tôi chưa được gặp vợ con. Qua điện thoại, tôi vẫn thường xuyên động viên vợ cố gắng, hiện công việc chống dịch là quan trọng nhất”. Đại úy Nguyễn Đăng Thắng nói.
Bác sĩ Hoàng Hải Nam, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa Khoa Sơn Tây được điều động tăng cường vào khu cách ly theo sự chỉ đạo của Sở y tế thành phố Hà Nội. Gia đình anh ở phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, cách Nhà trường 4 km nhưng từ hôm thực hiện nhiệm vụ anh cũng không được tiếp xúc với người thân. Bác sĩ Nam chia sẻ: “Hằng ngày, các y, bác sĩ ở đây ngoài việc phát hiện cách ly bệnh dịch, anh em còn phải hỗ trợ Quân y Nhà trường thăm khám điều trị những bệnh thông thường cho tất cả các công dân. Nhiều hôm nửa đêm cũng có người gọi vì đau bụng hoặc mẩn ngứa do thay đổi môi trường... Nói chung công việc của chúng tôi ở đây lúc đầu tưởng chỉ là cách ly phân loại dịch nhưng khi ở tập trung hàng trăm con người trong một khu, phục vụ mới thấy vất vả, chưa nói đến sự nguy hiểm của dịch nếu không làm đúng qui trình. Song tất cả đều cố gắng để phòng chống tốt nhất dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tốt sức khỏe cho nhân dân”. Bác sĩ Nam hiện có 2 con, đều đang được nghỉ học. Sau những giờ làm nhiệm vụ, anh đều dành thời gian gọi điện thoại về nhà để thông báo tình hình cho bố, mẹ, vợ con yên tâm.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đoàn Chí Thắng, Chính ủy Nhà trường cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy, chúng tôi mong muốn bà con không được chủ quan, tuy nhiên, cũng không vì thế mà hoang mang, lo lắng. Rất mong bà con và các bạn Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, nhân viên và lực lượng phục vụ của Nhà trường. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng họ trong “cuộc chiến” chống lại dịch Covid-19 bằng tinh thần, thái độ, trách nhiệm cao nhất, phục vụ bà con và các bạn có sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái, thắm tình cảm quân dân, để bà con sớm trở về với gia đình theo thời gian quy định”.
Nghe đồng chí Chính ủy Nhà trường nói, chúng tôi hiểu những việc làm bình dị ấy của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Nhà trường, không chỉ góp phần cùng Thành phố tổ chức hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, mà còn góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết quân dân, để nhân dân thêm tin yêu và ghi nhận.
Phúc Nguyên