A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Hà Nội

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp

QPTĐ-Ngày 27/2/2012, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Sau hơn 11 năm thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Kiên trì tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp

Sau 11 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập mới được 1.657 tổ chức Đảng, phát triển được 10.089 đảng viên mới trong các doanh nghiệp. Con số này tuy chưa lớn, song thể hiện rõ quyết tâm, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Để có được kết quả trên, theo đồng chí Triệu Thị Ngọc, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, ngay sau khi Nghị quyết 09 được ban hành, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo Thành phố xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước Thành phố; ban hành Kế hoạch số 47, ngày 02/3/2012 để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và toàn bộ cán bộ chủ chốt của Thành phố. Từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền đến người lao động và chủ doanh nghiệp (thông qua cả các thứ tiếng: Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Đặc biệt, Thành phố tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, diễn đàn hợp tác, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, rút ngắn các thủ tục hành chính, cải thiện mô hình đầu tư, kinh doanh; tổ chức các hội nghị tọa đàm, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với chủ doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tiến hành gặp mặt doanh nhân, biểu dương khen thưởng doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng đảng, vừa kinh doanh hiệu quả. Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp đã hiểu đúng và đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng hoạt động. Đồng thời, đảng viên, người lao động cũng hiểu rõ về hoạt động của doanh nghiệp, tích cực đổi mới, sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, tham gia đóng góp xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Lãnh đạo Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thăm, làm việc tại Nhà máy Công nghệ cao Abipha 

Một trong những giải pháp quan trọng khác, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp trực thuộc các quận, huyện, Thị ủy là một đầu mối tổ chức cơ sở Đảng chuyên sâu, giúp các quận, huyện, Thị ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, bảo đảm hoạt động theo đúng quy định, phù hợp với từng loại hình tổ chức Đảng. Đến nay, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp. Thành ủy cũng thành lập Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất. Từ đó, quan tâm lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết làm Bí thư chuyên trách Đảng ủy, bố trí trụ sở làm việc, kinh phí để các Đảng ủy hoạt động hiệu quả. Đồng chí Lê Quang Long, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: Đảng bộ khu công nghiệp và chế xuất đã phát huy tốt vai trò là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước lãnh đạo cán bộ, đảng viên vừa thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng; làm vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong khối. Thông qua hoạt động của Đảng ủy, nhiều doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết với nhau, phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nhiều doanh nghiệp đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chung tay cùng Thành phố thực hiện nhiệm vụ cộng đồng xã hội.

 

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, trước khi ban hành Nghị quyết số 09, toàn thành phố Hà Nội có 117.484 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đăng ký hoạt động. Trong đó, có 114.960 doanh nghiệp tư nhân, 69 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần dưới 50%, 64 doanh nghiệp không còn vốn nhà nước, 1.381 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, 404 doanh nghiệp liên doanh... Trong số các doanh nghiệp nêu trên, có 633 tổ chức Đảng, với tổng số 18.593 đảng viên. Trong đó, có 233 tổ chức đảng, với 2.565 đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Khảo sát đúng, lộ trình thực hiện khoa học

 

Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu để xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở Đảng bộ thành phố Hà Nội đó là, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã tăng cường công tác khảo sát, nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đội ngũ người lao động. Tính đến tháng 6 năm 2023, đã khảo sát trên 52 nghìn lượt doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình, kế hoạch, tổ chức các buổi tiếp xúc với chủ doanh nghiệp và người lao động để vận động, thuyết phục thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Khi đã tạo được sự đồng thuận, đủ điều kiện theo quy định, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức hướng dẫn các cấp ủy Đảng trực thuộc thành lập tổ chức Đảng đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, tuân thủ các quy định của Điều lệ Đảng. Ngay sau khi các tổ chức Đảng được thành lập, tập trung hướng dẫn xây dựng Quy chế làm việc của cấp ủy, Quy chế phối hợp giữa cấp ủy và chủ doanh nghiệp, Ban lãnh đạo doanh nghiệp theo đúng quy định của Ban Bí thư nhằm thực hiện và phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng… Mặt khác, chỉ đạo đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tích cực đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, nhất là trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đáp ứng việc bố trí thời gian và nhân sự vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chi bộ  Công ty TNHH Canon Việt Nam chụp ảnh lưu niệm trong Lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ.

Đồng chí Đinh Thanh Tâm, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ: “Canon Việt Nam là thành viên Tập đoàn Canon, là một công ty chế xuất 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. Sau quá trình kiên trì vận động, tuyên truyền, tháng 2/2022, Chi bộ Công ty được thành lập, ban đầu có 3 đảng viên. Hiện nay, được sự tạo điều kiện của lãnh đạo doanh nghiệp, Chi bộ đã kết nạp mới và tiếp nhận chuyển sinh hoạt Đảng thêm 8 đảng viên, nâng đảng số lên 11 người. Do đặc thù sản xuất kinh doanh và đảng viên công tác tại 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội); Khu công nghiệp Quế Võ (Quế Võ, Bắc Ninh), Khu công nghiệp Tiên Du-Tiên Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh). Bởi vậy, Chi bộ đã vận dụng tổ chức sinh hoạt hàng tháng bằng hình thức trực tuyến. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng qua nhóm online, tiến hành triển khai trực tuyến. Nhờ đó, vẫn phát huy được hiệu quả hoạt động.

Cùng với các giải pháp trên, để xây dựng và nâng cao hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên được quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy các cấp đã mở 350 lớp bồi dưỡng cho trên 14.000 đối tượng kết nạp Đảng; gần 200 lớp bồi dưỡng cho trên 8.400 đảng viên mới; 160 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 13.000 lượt cấp ủy viên. Qua đào tạo, bồi dưỡng đã giới thiệu cho chủ doanh nghiệp và Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú có phẩm chất, năng lực vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp, phát huy tốt năng lực, sở trường, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Đoàn viên thanh niên Công ty cổ phần Tràng An xung kích trong sản xuất.

Trong thời gian tới, cùng với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 350-400 nghìn doanh nghiệp ngoài Nhà nước được thành lập, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính vì vậy, công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp này càng cần phải tiếp tục được tăng cường, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở. Trước hết, nghiên cứu ban hành một số chủ trương, cơ chế chính sách tạo điều kiện về cơ chế hoạt động, hỗ trợ kinh phí, tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp trên địa bàn có nghĩa vụ với hoạt động của tổ chức Đảng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ làm công tác Đảng yên tâm công tác và tổ chức Đảng tại doanh nghiệp hoạt động ổn định. Đồng thời, tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức đoàn thể đồng bộ với mô hình tổ chức Đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước…

Ngọc Quang

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ