A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Luật Thủ đô “sửa đổi”

Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho phát triển Thủ đô

QPTĐ-Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô bước đầu đã giúp cho thành phố Hà Nội phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", thì việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết. Trước tính cấp bách đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi của nguyên lãnh đạo Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và nhân dân, hoàn thiện “Dự thảo” Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định đặc thù, vượt trội, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu.

Luật Thủ đô cần quan tâm đặc biệt đến chuyển đổi số.
 

Quy định rõ mô hình “thành phố thuộc thành phố”

Theo Nghị quyết số 15, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã xác định: “…điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai)...”.  

Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội là thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm). Đây là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ. Thành phố thuộc Thủ đô là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Việc này đảm bảo yếu tố đây là cấp chính quyền địa phương có tính đặc thù vượt trội theo hướng tự chủ, năng động, sáng tạo, hiệu quả cao hơn chính quyền quận, huyện, thị xã thuộc thành phố. Nội dung này được đề cập trong “Dự thảo” Luật là cần thiết.

 Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội.
 

Luật phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền Thành phố

Để tạo sự chủ động, linh hoạt cho thành phố Hà Nội trong việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 10, Luật Thủ đô năm 2012, Tiến sĩ Nguyễn Thành Luân, Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, Luật phân quyền mạnh hơn cho Thành phố so với Luật Kiến trúc, giao cho UBND Thành phố chủ động trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp quản lý không gian đô thị, không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, vùng di sản đối với khu vực nội đô, khai thác cảnh quan sông Hồng và các trục cảnh quan: Hồ Tây-Ba Vì; Nhật Tân-Nội Bài; Ba Sao-Tam Chúc…

Một nội dung quan trọng khác được đề cập đến trong “Dự thảo” Luật là lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Điều 25 “Dự thảo” Luật quy định: Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Bảo đảm phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học và công nghệ. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế...

PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số, ưu tiên bố trí nguồn nhân lực để tập trung thực hiện đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu để đảm bảo sự đồng bộ và hiện đại là yêu cầu hết sức quan trọng để chuyển đổi số. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn để tạo ra sự phát triển đột phá trên mọi mặt quản lý kinh tế-xã hội, chính quyền Thủ đô cần nhanh chóng hoạch định cho mình chiến lược và kế hoạch hành động để thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Và việc đưa nội dung “chuyển đổi số” vào “Dự thảo” Luật như vậy đã thể hiện rõ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ này.

Một góc đô thị Hà Nội.
 

Có thể nói, “Dự thảo” Luật Thủ đô đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô. “Dự thảo” Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo cơ chế đặc thù, vượt trội xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.

Đức Trọng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ