Phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh và hiện đại
QPTĐ-Ngày 1/4/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Đồng thời thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết mới của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năng động, hiệu quả, vì con người; là trung tâm, động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, hiện đại, sáng tạo, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.
Như vậy, Hà Nội cho tới năm 2025 phải phát triển nhanh và bền vững thành phố xanh, thông minh và hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh, thông minh và hiện đại; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000USD.
Lựa chọn xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh và hiện đại; bảo đảm các yếu tố phát triển nhanh, bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn cho công dân dựa trên ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là chìa khóa bảo đảm cho Hà Nội hiện thực hóa thành công vì hạnh phúc nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ là sự thúc giục Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới, mà còn là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn khơi dậy và phát huy các nguồn lực mới cho chặng đường phía trước.
Thời gian qua, nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành nhiều quy hoạch lớn như: Quy hoạch phân khu đô thị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống. Các quy hoạch đô thị được Hà Nội ban hành nhằm hướng đến xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại, các quy hoạch phải có tầm nhìn và tạo được tính đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô hiện đại và bền vững. Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu lập 236 đồ án quy hoạch đô thị, xây dựng nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó có 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị; 146 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch chi tiết đô thị; 34 đồ án thiết kế đô thị riêng; 14 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Thành phố Hà Nội cũng luôn chú trọng đến xây dựng chính quyền điện tử và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ dẫn đầu cả nước, xếp thứ hạng cao trong khu vực về lĩnh vực này. Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử. Đồng thời xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa” dùng chung 3 cấp giúp người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện, tiết kiệm; đồng thời giúp cơ quan quản lý điều hành, kiểm soát thủ tục hành chính tốt hơn. Hà Nội hiện đang tập trung xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm... Thành phố cũng khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử.
Phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh và hiện đại đòi hỏi tầm nhìn xa đi đôi với tiềm lực, hướng tới mục tiêu nhân văn, cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Phát triển thành phố xanh, thông minh và hiện đại cần những bước đột phá, gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị chung của cả nước.
Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ việc đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh. Ngoài ra, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
Song Hà