A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống, “thắp sáng” những chiến công

 

QPTĐ- “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. Nhớ lời căn dặn ngày 21/12/1954 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua những tháng năm với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cán bộ, công nhân, viên chức lao động Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) vẫn luôn đoàn kết, lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

 

Lực lượng tự vệ Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội trực SSCĐ trong dịp Tết Nguyên Đán.

 

Hơn 120 năm trưởng thành và phát triển

EVN HANOI tiền thân là Nhà máy Đèn Bờ Hồ, ra đời theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Điện khí Đông Dương và Đốc lý Hà Nội ngày 6-12-1892. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Tổng Công ty có nhiều tên gọi khác nhau như: Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Sở máy Điện Hà Nội, Nhà máy Điện Hà Nội, Sở Cung cấp điện Hà Nội, Sở Quản lý và Phân phối điện khu vực I, Sở Điện lực thành phố Hà Nội và từ tháng 3-2010 có tên gọi như hiện nay.

 

20/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân Pháp (7/1954-10/1954). Lợi dụng thời gian đó, quân Pháp âm mưu phá hoại, di chuyển máy móc, vật liệu, hồ sơ kỹ thuật… để biến Hà Nội thành một thành phố trống rỗng, không điện, không nước. Đó là một trong những cuộc đấu tranh gay go nhất ở Hà Nội giữa ta và địch lúc bấy giờ.

 

Trong công tác tiếp quản Hà Nội, việc đảm bảo điện cho thành phố là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng “Quyết tâm không để mất điện trong bất kể tình huống nào”, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy nổ ra kiên quyết, không để bọn chủ tháo dỡ máy móc, thiết bị và buộc họ phải bàn giao cho ta. Bên cạnh đó, công nhân còn tích cực cất giấu máy móc, đẩy mạnh công tác binh vận, lôi kéo cai ký, nhân viên kỹ thuật về phía ta. Đội tự vệ Nhà máy được thành lập với hơn 30 người. Hàng ngày, các chiến sĩ tự vệ phân công nhau đứng ở những bộ phận quan trọng để giữ máy, đêm đêm bí mật canh gác.

 

Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, bị thua đau trên chiến trường miền Nam, từ tháng 8/1964 đến cuối năm 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt miền Bắc. Nhà máy, trạm điện, hệ thống tải điện là mục tiêu ném bom của Mỹ. Lãnh đạo Sở Cung cấp điện Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo nhiệm vụ chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến. Đặc biệt trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm lịch sử (từ 18-30/12/1972), đế quốc Mỹ đã dùng B52 trút bom hòng hủy diệt Thủ đô Hà Nội. Để đảm bảo điện phục vụ cho sản xuất và chiến đấu, hàng trăm TBA ở ngoại thành Hà Nội và nhiều trạm diezen đã được lắp đặt, xây dựng.

 

Với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, Sở đã phân công lực lượng bám trụ ở từng trạm, từng chốt quan trọng để nhanh chóng khắc phục hư hỏng lưới điện. Cùng với nhân dân thành phố, mỗi công nhân điện là một chiến sĩ kiên cường trong sản xuất và chiến đấu, bảo vệ nguồn điện cho Thủ đô. Nhiều khẩu hiệu đã xuất hiện khắp nơi trong Nhà máy như: Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Còn người, còn dòng điện... Từ khẩu hiệu đến hành động, người công nhân điện quyết cảm tử giữ vững dòng điện cho Thủ đô. Nhiều tấm gương dũng cảm đã quên mình bảo vệ máy móc, khôi phục lưới điện…      

   

Trải qua hơn 120 năm phát triển, hiện nay EVN HANOI đã có 17 ban chức năng, 38 đơn vị và 1 Công ty con, quản lý 33 TBA 110KV, gần 700 km đường dây, gần 1.500 trạm biến áp phân phối và hơn 36.000 km đường dây trung hạ thế phục vụ hơn 2 triệu khách hàng.

 

Với những thành tích tiêu biểu trong chiến đấu và sản xuất, đơn vị đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1966), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1973), Tập thể Anh hùng LLVT nhân dân…

 

Phát huy truyền thống, “thắp sáng” những chiến công

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục trên toàn thành phố với chất lượng cao, phát huy truyền thống của đơn vị trong 2 cuộc kháng chiến, lực lượng tự vệ Tổng Công ty (TCT) đã chủ động trong mọi tình huống, sản xuất kinh doanh giỏi và là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương của Hoàn Kiếm-quận trung tâm thành phố.

 

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán hoặc trong các ngày lễ lớn, sự kiện đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước, bờ hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Lý Thái Tổ luôn được chọn là nơi bắn pháo hoa tầm cao và diễn ra nhiều hoạt động văn hoá quan trọng. Góp phần đảm bảo tốt nhiệm vụ, đơn vị vừa làm tốt cung ứng điện, vừa phải bố trí lực lượng tự vệ trực tại cơ quan, các trạm biến áp khu vực Vườn hoa, UBND thành phố, Bưu điện Hà Nội.

 

Đồng chí Phạm Đức Thăng, Chỉ huy phó Ban CHQS TCT cho biết: “Để mỗi đồng chí tự vệ luôn SSCĐ cao, chủ động trong mọi tình huống, ngoài huấn luyện theo chương trình chung của Ban CHQS quận, chúng tôi chủ động tổ chức huấn luyện, luyện tập các phương án trước mỗi sự kiện. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ, công an, chính quyền và nhân dân trên địa bàn bảo vệ cơ quan, địa bàn an toàn, nhất là trong các ngày lễ, Tết cũng như những nhiệm vụ đột xuất; tham gia thực hiện tốt phương án phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão; phối hợp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân cùng tham gia bảo vệ các công trình điện”.

 

Được biết, hiện lực lượng tự vệ TCT gồm 26 đồng chí. Ngoài việc thường xuyên ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác quốc phòng, quân sự; kiện toàn Ban CHQS đơn vị, Đảng uỷ, Ban Giám đốc TCT luôn có nhiều biện pháp truyền đạt các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương đến toàn thể cán bộ, nhân viên, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân viên.

 

Với chức năng của lực lượng tự vệ là SSCĐ tại chỗ, ngăn ngừa và xử lý các tình huống xảy ra bạo động, mất trật tự an toàn trong khu vực nhưng không thoát ly sản xuất, Ban CHQS TCT luôn xây dựng phương án hoạt động tối ưu, lồng ghép hợp lý giữa công tác xây dựng lực lượng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện. Đặc thù địa bàn hoạt động rộng nên khi xây dựng lực lượng tự vệ, đơn vị lựa chọn những đồng chí ở vị trí trực nguội (thường trực tại khối cơ quan là chính), để khi có lệnh là có thể kiểm tra và sẵn sàng huy động.

 

Đồng chí Chỉ huy phó Ban CHQS TCT nhấn mạnh: “Để cán bộ, chiến sĩ tự vệ hoàn thành song song 2 nhiệm vụ, chúng tôi bố trí, sắp xếp công việc cho anh em sao cho hợp lý nhất, để có đủ lực lượng trực đảm bảo điện nhưng vẫn đáp ứng trực SSCĐ”. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc TCT luôn quan tâm tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất và thời gian để anh em hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Những cá nhân có thành tích xuất sắc trong thời gian huấn luyện, cùng với biểu dương, khen thưởng kịp thời, TCT sẽ lấy kết quả đó tính là 1 chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong việc bình xét thi đua.

 

Chính những yếu tố đó đã khích lệ anh em hăng hái tham gia lao động sản xuất và tích cực tham gia công tác quân sự, góp phần để đơn vị gặt hái nhiều thành tích trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương: Nhiều năm liền, Ban CHQS TCT đều đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng Bằng khen 5 năm (2009-2014) vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua Quyết thắng; UBND thành phố tặng 2 Bằng khen có thành tích trong công tác giáo dục QP và AN (2014) và công tác Dân quân tự vệ (2015).

 

Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ