A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Thủ đô trong ngày Quốc khánh 2-9

 

QPTĐ-Lực lượng vũ trang Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, từ những đội tiền thân ra đời cuối năm 1944 đã từng bước phát triển lực lượng, trưởng thành qua các hoạt động đấu tranh với địch mà đỉnh cao là hoàn thành nhiệm vụ xung kích, nòng cốt và bảo vệ cho quần chúng giành chính quyền trong ngày Tổng khởi nghĩa. Và lực lượng vũ trang Thủ đô cũng vinh dự được tham gia bảo vệ Lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc, đón chào Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

 

Lễ Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội  ngày 2/9/1945.

 

Sau ngày 19-8, tại Hà Nội, chính quyền cách mạng các cấp được thiết lập. Phần lớn công chức trở lại công sở làm việc. Mọi hoạt động trong thành phố được tiếp tục bảo đảm, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Đối với LLVT, ngay sau khi khởi nghĩa thành công, các đơn vị tự vệ chiến đấu tập trung (chủ yếu đóng tại Trại Bảo an binh cũ và Phủ Khâm sai) được củng cố lại thành các đơn vị chủ lực. Bộ chỉ huy Bộ đội Hà Nội được thành lập, đồng chí Nguyễn Quyết là Chỉ huy trưởng. Các chiến sĩ tự vệ trước đây mang các tên gọi khác nhau như chiến sĩ Thanh niên tuyên truyền xung phong, tự vệ công nhân xung phong, tự vệ chiến đấu...đều mang một tên chung “chiến sĩ giải phóng quân Hà Nội”. Các đơn vị Giải phóng quân của Thủ đô trở thành một bộ phận của Giải phóng quân toàn quốc. Các chi đội Giải phóng quân được mặc quân phục thống nhất, đội mũ ca-lô, đeo quân hiệu sao tròn của Giải phóng quân.


Sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, để triển khai công tác quân sự, quốc phòng trên cả nước, ta chủ trương thành lập các chiến khu, mỗi chiến khu gồm một số tỉnh, thành. Riêng Hà Nội được gọi là Khu đặc biệt Hà Nội hay Đặc khu Hà Nội. Lúc này, chính quyền cách mạng mới thành lập, lực lượng vũ trang nhỏ bé, các đoàn thể cách mạng chưa phát triển rộng khắp, bọn phản động chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, ngoài ra, ta còn phải sẵn sàng đối phó với quân Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch sắp tràn vào với danh nghĩa tước khí giới quân Nhật. Yêu cầu khẩn cấp của Hà Nội là phải xây dựng và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, trong đó quan trọng nhất là bảo vệ các cơ quan đầu não của Thành phố, Xứ ủy Bắc kỳ và Trung ương.


Trước tình hình đó, nhiệm vụ củng cố và phát triển lực lượng vũ trang địa phương trở thành một yêu cầu cấp bách. Sau khi các đơn vị tự vệ tập trung do Thành ủy trực tiếp lãnh đạo được chuyển thành các đơn vị chủ lực thuộc Bộ chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội, trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Các đơn vị tự vệ rộng rãi ở các cơ quan, nhà máy, khu phố ra đời trước và trong Cách mạng Tháng Tám được củng cố lại, tổ chức chặt chẽ hơn để bảo vệ cơ sở của mình. Lực lượng rộng rãi đó được gọi chung là Tự vệ Thành. Tự vệ Thành do đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội phụ trách.


Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cũng cần có một đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ cơ động bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Việt Minh của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ và Thành phố. Đơn vị này còn phải làm nhiệm vụ xung kích trong các cuộc vận động lớn của Thành phố, các chiến dịch tuyên truyền cho nhân dân, huấn luyện quân sự, chính trị cho Tự vệ Thành, cùng công an tiêu diệt các ổ việt gian, phản động chống phá cách mạng, khi có tác chiến thì chiến đấu như một đơn vị quân đội thực sự. Từ chủ trương đó, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu được thành lập. Đồng chí Lê Trung Toản, Thành ủy viên Hà Nội, phụ trách công tác quân sự địa phương trực tiếp làm Đội trưởng Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu.


Từ 21-8 đến 28-8, Đội tiếp nhận các đơn vị tự vệ, cán bộ, chiến sĩ tự vệ từ cơ sở về. Ngày 25-8, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu chính thức ra đời. Lúc đầu, Đội có 250 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức thành 2 phân đội. Phân đội Tô Hiệu khoảng 80 người cùng một tiểu đội trinh sát 10 người và một số nhân viên Đội bộ. Phân đội Trần Quốc Toản gồm 140 cán bộ, chiến sĩ đóng tại Trường Kỹ nghệ thực hành số 2, phố Quang Trung.  Ngay khi thành lập, Đội đã tổ chức biên chế các đơn vị, trang phục thống nhất, trang bị thêm súng, tổ chức bếp ăn tập trung, nhanh chóng ổn định chỗ ăn ở, tiến hành huấn luyện chính trị, quân sự, thực hiện tuần tra, canh gác ngày đêm. Đội có quân hiệu trên mũ ca-lô là ngôi sao tròn với chữ “TVCĐ” để phân biệt với Tự vệ Thành và bộ đội Giải phóng quân.


Trong những ngày cuối tháng 8, các đơn vị Giải phóng quân thuộc Khu đặc biệt Hà Nội, Tự vệ chiến đấu, tự vệ Thành Hà Nội khẩn trương tập dượt để tham gia bảo vệ Lễ Độc lập, một vinh dự lớn lao đầu tiên của các lực lượng vũ trang toàn Thành phố. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, các lực lượng vũ trang Thủ đô cùng với hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tham dự Lễ Độc lập đầu tiên, đón chào Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập.


Các lực lượng vũ trang Thủ đô được huy động tham gia cùng với toàn dân vào cuộc mít tinh, đồng thời có nhiệm vụ bảo vệ chặt chẽ buổi lễ trọng đại này. Chiều 2-9, trong đội hình dự mít tinh, ngoài các khối bộ đội và quần chúng đứng dưới khán đài, một phân đội thuộc Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu được phân công đứng theo nghi lễ quanh khán đài. Một phân đội khác rải quân thành 2 hàng dọc từ khán đài về phía đường Điện Biên Phủ ngày nay để đón các vị lãnh tụ vào lễ đài. Tham gia vào một sự kiện trọng đại của dân tộc, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô vô cùng xúc động vì được Đảng, Chính phủ tin cậy, đồng thời tận mắt được thấy Bác Hồ kính yêu, lãnh tụ tối cao của dân tộc.


Lực lượng vũ trang Thủ đô đã ra đời và trưởng thành trong cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa và làm nòng cốt cho nhân dân Hà Nội tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vẻ vang, sẵn sàng bước vào thời kỳ mới, chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Thủ đô.


Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ