A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ tích của Thủ đô

 

 

QPTĐ-Thành phố Hà Nội bước vào năm 2021 trong niềm tự hào lớn lao. Năm 2020, ghi nhận kỳ tích mới của Thủ đô: Thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, vừa hồi phục, phát triển kinh tế. 

Hẳn ai cũng còn nhớ, năm 2020 vừa qua, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội toàn cầu, trong đó có nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Căng thẳng nhất là vào tháng 3, tháng 4, Hà Nội là địa bàn có nhiều ổ dịch nhất, nhiều ca nhiễm bệnh nhất cả nước. Các cấp ủy, chính quyền của Thành phố đã huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân cùng vào cuộc, tham gia cuộc chiến chống đại dịch, với mục tiêu quyết tâm kiểm soát, không để lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân. 

Cũng cần nhìn lại một cách khái quát nhất để thấy được phần nào quy mô và tính chất của mặt trận chống đại dịch. Đó là tổ chức tốt việc xét nghiệm và cách ly các ca nghi nhiễm tính đến ngày 25-11 là 37.000 ca; cách ly, theo dõi ngoài cộng đồng gần 73.000 người; thực hiện gần 100.000 mẫu xét nghiệm RT-PCR; gần 200 trường hợp mắc Covid-19 mà không có tử vong. Toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân đã nêu cao truyền thống Anh hùng vào trận mới, chống dịch như chống giặc. Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành rà soát, truy vết F1, phong tỏa và cách ly y tế vùng theo quy định. Tính từ ngày 25-02-2020 đến hết năm 2020, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã sử dụng hơn 1.800 lượt xe tiếp nhận, vận chuyển, bàn giao để cách ly tập trung gần 26.000 người, từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước qua sân bay Nội Bài và ngoài cộng đồng đưa về khu cách ly tập trung của Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị quân đội khu vực phía Bắc. Từ ngày 17-8-2020 đến nay, Thành phố không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Vậy là, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, Thủ đô ta vững vàng vượt qua thử thách chưa có tiền lệ.

Hà Nội hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả  vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Hà Nội có quy mô kinh tế lớn, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, cũng là địa phương sớm chịu tác động của đại dịch Covid-19. Cùng với phòng, chống dịch bệnh, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. 

Mặt trận kinh tế-xã hội được mở ra ngay từ đầu năm 2020, khi Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình dịch để xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp. Nhìn lại biểu đồ tăng trưởng năm 2020, có thể thấy được sức bật nhanh chóng của kinh tế Thủ đô. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố trong các tháng cuối năm có sự bứt phá. Quý I, GRDP tăng 4,43%, quý II tăng 2,41%, quý III tăng 3,31% và quý IV tăng 5,51%. Nhờ đó, GRDP năm 2020 của Thành phố tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,4 lần mức tăng của cả nước. Thu ngân sách của Thành phố năm 2020 đạt 279.359 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán, tăng 3,5% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 16,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2019. Đặc biệt, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong nửa cuối năm 2020 đã tăng trưởng cao (từ 7,17% đến 7,35%) đưa mức tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 lên 4,2%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng/người, tăng 3,5 triệu đồng/người so với năm 2019.

Thành phố đã hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 hơn 600 tỷ đồng; giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp hơn 25 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất. Xác định đầu tư công là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thành phố đã tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công với nỗ lực cao nhất. HĐND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án không có khả năng triển khai theo kế hoạch đã giao; ưu tiên bố trí, bổ sung vốn đầu tư các dự án chuyển tiếp, các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, các dự án mới, đủ điều kiện triển khai. Thành phố đã điều chỉnh giảm hơn 3.300 tỷ đồng của 149 dự án để tăng tương ứng cho 134 dự án, khoản chi khác.

Với nguồn vốn được giải ngân kịp thời, Hà Nội hoàn thành 127 dự án xây dựng cơ bản. Nhiều dự án quan trọng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020 như: Xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường vành đai 2,5); tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3, nút giao vành đai 3 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng…

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Thành phố triển khai nhiều chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại quy mô lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, khôi phục sản xuất. Nhờ đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 3.045 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2019. Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Thành phố chú trọng. Năm 2020, Hà Nội có thêm 26.441 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 337.689 tỷ đồng, thu hút được gần 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài duy trì hoạt động ổn định, đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 290.000 lao động.

Hà Nội bước vào năm 2021 với khí thế, niềm tin và kỳ vọng mới.  Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: Kết quả, kinh nghiệm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của năm 2020 là nền tảng vững chắc để Hà Nội triển khai các nhiệm vụ của năm 2021. Những kết quả đó tiếp thêm động lực để Hà Nội tự tin bước vào năm mới với nhiều kỳ vọng. 

Song bên cạnh nhiều thời cơ, cũng đan xen nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi Thành phố tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ. Những ngày đầu tháng 1 này, dự kiến Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố sẽ họp với 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành triển khai các nghị quyết đã đề ra bằng những chương trình hành động cụ thể, sát thực tình hình địa bàn. Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện, cũng như thủ tục thông thoáng, thu hút mạnh mẽ đầu tư và quyết tâm thực hiện chủ đề năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, hoàn thành 23 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%.   

Dịch bệnh hoàn toàn có thể xuất hiện và lây lan. Vì vậy, trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Công điện số 08 của Chủ tịch UBND Thành phố. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trong nhân dân; thực hiện nghiêm các biện pháp và yêu cầu 5K, quản lý tốt các cơ sở cách ly, giám sát y tế đủ 14 ngày đối với người nhập cảnh sau cách ly tập trung; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…

Hà Nội sẽ tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng nhanh, tái cơ cấu các ngành kinh tế. Có đủ niềm tin rằng, Thủ đô tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”-vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. 

Hoàng Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ