A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khó khăn trong vận hành hệ thống điện trên địa bàn Thủ đô

QPTĐ-Do nhu cầu tiêu thụ điện liên tục tăng cao trong những ngày nắng nóng, nguồn cung cấp bị giới hạn bởi các yếu tố thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, đồng thời nước ở các hồ thủy điện cạn kiệt, tại một số thời điểm, hệ thống bị gián đoạn cung cấp điện cho các hoạt động của Thủ đô.

Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), từ đầu năm đến nay, diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến thời điểm cuối tháng 5/2023, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,35 tỷ kWh, thấp hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm, trong đó riêng miền Bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh. Đến ngày 3/6/2023 hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết, trong đó có các hồ lớn bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng Thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành và an toàn cho hệ thống điện quốc gia.

Trong khi đó, thời tiết nắng nóng cực đoan trên diện rộng thời gian qua đã làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Mặc dù chưa phải là đợt nắng nóng cao điểm và kéo dài nhưng mức độ tiêu thụ điện toàn hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận ngày 19/5/2023 vừa qua đã tăng lên mức rất cao là hơn 924 triệu kWh/ngày-cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đã lên tới 44.600MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022. Trong tháng 6/2023, dự báo Thủ đô Hà Nội tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải trên địa bàn Thủ đô và hệ thống điện Quốc gia sẽ tiếp tục có thể còn tăng cao hơn trong các ngày tới.

Nhu cầu tiêu thụ điện của người dân Thủ đô những ngày hè liên tục tăng cao.
                                                                                                                 Ảnh internet.

Để triển khai các giải pháp khắc phục những khó khăn trên, ngày 16/5/2023, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty có Chỉ thị số 1312-CT/ĐU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện giai đoạn cao điểm Hè năm 2023 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 và Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 06/06/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.

Cụ thể, yêu cầu các đơn vị trong địa bàn Thủ đô Hà Nội phối hợp, áp dụng các giải pháp để thực hiện tiết kiệm điện: Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, trường học: Điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên; mở máy điều hòa trễ trên 60 phút và tắt máy điều hòa sớm trên 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; khuyến khích sử dụng hoạt động 50% số thang máy tùy theo tần suất phục vụ. Khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc.

Đối với các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ: Điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên; mở máy điều hòa trễ trên 60 phút và tắt máy điều hòa sớm trên 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc hoạt động; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; khuyến khích sử dụng hoạt động 50% số thang máy tùy theo tần suất phục vụ; khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22h; thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ Công ty Điện lực địa phương phù hợp với tình hình kinh doanh của đơn vị; khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng, điện mặt trời (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện.

Đối với cơ sở doanh nghiệp sản xuất: Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22h; thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ Công ty Điện lực địa phương phù hợp với tình hình sản xuất của đơn vị; khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng, điện mặt trời (nếu có) để chủ động thêm nguồn cung cấp điện.

Đối với các hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị: Điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay (phù hợp điều kiện cụ thể); đối với đèn chiếu sáng đường phố, trục chính ngoại thành vận hành 1 chế độ; tắt 1/3 số đèn từ đầu giờ, các tuyến có 4 làn đèn; vận hành 2 chế độ, tắt 1/3 số đèn ngay từ đầu và sau 23h cắt tiếp 1/3 số đèn còn lại đến sáng hôm sau; đối với chiếu sáng ngõ xóm và các khu vực còn lại vận hành 2 chế độ, tắt 1/3 số đèn ngay từ đầu và sau 23h cắt tiếp 1/3 số đèn còn lại đến sáng hôm sau; đối với hệ thống chiếu sáng trong các công viên, vườn hoa mở: Vận hành tối đa không quá 50% số đèn và cắt toàn bộ từ 23h.

Khánh Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ